1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TS. Cao Sỹ Kiêm: Phát triển công ty tài chính là một giải pháp để hạn chế “tín dụng đen”

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát triển các công ty tài chính là một giải pháp để hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trong xã hội hiện nay, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.

 


TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các công ty tài chính hiện đang đóng vai trò rất lớn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, tuy nhiên, hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động vẫn chưa được hoàn thiện. Để tạo điều kiện cho các công ty tài chính dễ dàng hoạt động và phát triển mạnh, theo ông, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý như thế nào?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một khuôn khổ pháp lý để các công ty tài chính hoạt động. Các công ty tài chính là một định chế tài chính riêng, được phép cho vay tiêu dùng và cho vay ngoài xã hội.

Hoạt động của công ty tài chính khác với ngân hàng. Trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng hầu như là cần phải có tài sản thế chấp, thì yêu cầu này đối với công ty tài chính tiêu dùng là vô nghĩa, thậm chí, quy định về cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng còn rộng rãi hơn.

Tất nhiên, về mặt luật pháp thì chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về pháp lý cho các công ty tài chính hoạt động để tạo điều kiện cho các công ty này hoạt động hiệu quả, phát triển vững mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong hoạt động cho vay tiêu dùng, vai trò của các công ty tài chính là rất lớn. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Chắc chắn, các công ty tài chính sẽ có lợi thế hơn so với các ngân hàng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Thứ nhất, họ có chuyên môn hơn, hoạt động chuyên biệt hơn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Thứ hai, điều kiện cho vay của họ khác xa so với ngân hàng. Để vay được vốn của ngân hàng, khách hàng cần phải có dự án cụ thể, có tài sản thế chấp, thậm chí ngân hàng còn phải xem xét đến yếu tố con người, còn đối với công ty tài chính, chỉ cần liên quan đến yếu tố tiêu dùng là có thể xét cho vay.

TS. Cao Sỹ Kiêm: Phát triển công ty tài chính là một giải pháp để hạn chế “tín dụng đen” - 2

Hiện nay, lãi suất của các công ty tài chính đang cao hơn so với các ngân hàng, vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Cho vay tiêu dùng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà đã rủi ro sẽ kéo theo chi phí vốn cao hơn, do đó, lãi suất của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng cao hơn ngân hàng cũng là điều hết sức bình thường.

Trong khi ngân hàng cho vay với lãi suất thấp nhưng điều kiện cho vay lại quá khắt khe, nhất là đối với phân khúc tín dụng tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân, ngân hàng thường hạn chế những khoản vay quá nhỏ lẻ, thì ngược lại, các công ty tài chính lại sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn chi tiêu hàng ngày, với điều kiện không ràng buộc, đáp ứng mọi đối tượng mà không cần tài sản thế chấp.

Hơn nữa, hiện hầu hết các công ty tài chính đều phải huy động vốn từ các nguồn đi vay, trong khi việc phát hành trái phiếu khá khó khăn và tốn kém. Quan trọng là với những khoản vay nhỏ lẻ, chủ yếu từ 10-50 triệu đồng không có tài sản bảo đảm nên lẽ đương nhiên các công ty tài chính phải trích lập một khoản dự phòng, và chính điều này đã khiến cho mức lãi suất của các công ty tài chính luôn cao hơn so với mức lãi suất cho vay tiêu dùng của khối các ngân hàng thương mại.

Vậy liệu sự xuất hiện của công ty tài chính có khiến xã hội tẩy chay “tín dụng đen” không, thưa ông?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Tín dụng đen là vấn nạn đối với xã hội, và công ty tài chính được xem là một giải pháp để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người có nhu cầu nhưng lại không có chỗ để vay vì mô hình công ty tài chính chưa phát triển một cách mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, nếu mở rộng hoạt động các công ty tài chính sẽ góp phần đẩy lùi được nạn “tín dụng đen”.

Xin cám ơn ông!

P.Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm