Trưởng đoàn đàm phán TPP: “Lợi ích to lớn chỉ đến từ 4-5 năm nữa”
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán hiệp định TPP Trần Quốc Khánh, cơ hội và lợi ích từ TPP sẽ không đến ngay lập tức. Nhiều cam kết đều phải thực hiện theo lộ trình. TPP phải mất 1,5 - 2 năm mới được thông qua. Lợi ích to lớn chỉ đến từ 4-5 năm nữa.
Cơ hội và lợi ích từ TPP sẽ không đến ngay lập tức
Sáng 23/10, tại hội nghị đầu tư với chủ đề “Thị trường chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?”, ông Trần Quốc Khánh, cho biết những lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện mới chỉ là giả định. Theo đó, TPP có nhiều cơ hội và thách thức, tuy nhiên cơ hội và thách thức chỉ có thể xuất hiện nếu TPP trở thành hiện thực, nghĩa là phải được Quốc hội các nước thông qua.
Rất nhiều các doanh nghiệp (DN) băn khoăn, đặt câu hỏi, nếu Quốc hội một số nước không thông qua TPP thì hiệp định này có được thành lập, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phân tích, không nhất thiết tất cả 12 nước tham gia TPP đều thông qua thì mới có hiệu lực. Chỉ cần tổng GDP của các nước còn lại tham gia hiệp định vượt ngưỡng nhất định thì TPP sẽ được thông qua.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng lưu ý, cơ hội và lợi ích từ TPP sẽ không đến ngay lập tức. Nhiều cam kết TPP đều phải thực hiện theo lộ trình, không đến ngay từ ngày đầu tiên. TPP phải mất 1,5 - 2 năm mới được thông qua. Lợi ích to lớn chỉ đến từ 4-5 năm nữa.
“Chúng ta nhắm đến thị trường nào đó, giảm thuế cho chúng ta, nhưng khi nước đó gặp khủng hoảng tài chính, sức mua yếu đi, hay nếu hy vọng người ta giảm thuế để mình tăng xuất khẩu nhưng khi người ta phá giá đồng tiền, ngang bằng với mức thuế giảm thì hàng hóa chúng ta cũng sẽ không có ưu thế để cạnh tranh được” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Phải đổi mới tư duy cạnh tranh
Ngoài ra, theo ông Khánh, cơ hội từ TPP chỉ biến thành hiện thực nếu chúng ta có năng lực nắm bắt và đổi mới tư duy. Nhà đầu tư muốn vào Việt Nam sẽ quan sát đường sá, cầu cảng, sân bay và cả “hạ tầng mềm” như bộ máy hành chính, lực lượng lao động.
Về năng lực đổi mới tư duy, doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy cạnh tranh bằng giá sang tư duy cạnh tranh bằng năng lực, uy tín của mình.
Về cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, Thứ trưởng Khánh cho rằng, trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng luôn có sự phân công giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Các doanh nghiệp sẽ thực hiện các công đoạn khác nhau. Nắm bắt được TPP, các doanh nghiệp lớn sẽ có lợi với nhiều đơn hàng hơn, nhưng khi có cơ hội, doanh nghiệp lớn sẽ chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp nhỏ, khi đó các doanh nghiệp sẽ cùng có lợi.
Riêng về thị trường chứng khoán và bất động sản, Thứ trưởng cho rằng TPP sẽ không mang lại nhiều tác động.
Cũng trong hội nghị, các diễn giả, trong đó có ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra nhận định, phân tích giúp doanh nghiệp hiểu rõ bản chất và năng lực của nền kinh tế trong tương lai, từ đó định hướng tốt trong chiến lược kinh doanh.
Trung Kiên