Trưởng ban Kinh tế TW: 1,5 triệu doanh nghiệp đến 2025 là thách thức lớn

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - việc phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị (khóa XI), ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. "Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Trưởng ban Kinh tế TW: 1,5 triệu doanh nghiệp đến 2025 là thách thức lớn - 1

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh sẽ nghiên cứu ban hành các nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân (Ảnh: Đ.Trung).

Đáng lưu ý, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chất lượng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn còn rất hạn chế. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Chưa kể, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức từ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng…

Trong bối cảnh đó, việc tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Theo ông Tuấn Anh, kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bộ Chính trị giao Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09; Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan chủ trì.

Do vậy, để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 100 ngày 1/8/2022 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 09 tại một số địa phương, bộ ngành, trong đó có Nam Định.

Tại hội nghị, ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định - khẳng định, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết 09 là rất quan trọng, giúp cho các tỉnh, thành, trong đó có Nam Định lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Nam Định đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Nam Định cũng chỉ ra số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung như các nhiệm vụ giải pháp đã triển khai để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương; cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2045…

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc, để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành.

"Cần đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp, coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân cũng sẽ được nghiên cứu để ban hành, trong đó lưu ý không chỉ về số lượng mà còn chú trọng về chất lượng.