Trước lãi 50 tỷ đồng, nay nhặt mấy trăm triệu: Dân buôn ô tô khốn đốn
Nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành, kinh doanh ô tô gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu giảm, tồn kho lớn, khiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh bất chấp đại hạ giá và hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ.
Lợi nhuận từ gần 50 tỷ đồng, còn chưa đầy 1 tỷ đồng
Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) cho thấy doanh thu quý II/2020 đạt 3.107 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 15,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Savico đạt 6.253 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 79%, xuống 24,1 tỷ đồng.
Savico hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối, sửa chữa và bảo trì ô tô, xe máy các loại. Trong đó, riêng ô tô có khoảng 50 đại lý bán lẻ cho nhiều thương hiệu. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm chủ yếu do doanh số bán lẻ và sửa chữa bảo dưỡng ô tô giảm mạnh.
Công ty cổ phần City Auto, đơn vị phân phối xe ô tô Ford và Hyundai tại thị trường Việt Nam, cũng gặp khó khăn tương tự. Báo cáo tài chính cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 2.151 tỷ đồng, giảm mạnh so với hơn 2.945 tỷ đồng của nửa đầu 2019. Lợi nhuận sau thuế tụt dốc không phanh, giảm từ hơn 48,6 tỷ đồng xuống còn hơn 783,1 triệu đồng. Riêng lãi công ty mẹ giảm từ 42 tỷ đồng xuống còn hơn 1,3 tỷ đồng, tương đương giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp khác chuyên phân phối xe Mercedes là Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cũng có lợi nhuận sau thuế quý II/2020 giảm mạnh, chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 68,5% so cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HAX đạt 2.010 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, giảm 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán lẻ gặp khó khăn thì các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và nhập khẩu xe cũng chịu chung số phận. Báo cáo Tài chính của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cho thấy, quý II năm nay chỉ được chia lãi từ 3 công ty liên doanh là Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam gần 790 tỷ đồng, bằng 37,5% so với quý II/2019. Tính cả 6 tháng đầu năm, lãi từ các công ty liên doanh, liên kết chia cho VEAM giảm nhẹ xuống còn 1.165 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xe tải, Công ty cổ phần TMT cho biết, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1.183 triệu đồng, giảm 10% so cùng kỳ 2019.
Khó khăn còn dài
Theo Bộ Công Thương, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, từ sản xuất lắp ráp đến nhập khẩu và bán lẻ, sửa chữa đều có doanh thu sụt giảm trong nửa đầu năm 2020, kéo theo lợi nhuận giảm mạnh. Trong đó, có DN và đại lý phải thua lỗ, không có lợi nhuận do doanh số giảm và giá bán giảm.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, 6 tháng đầu năm 2020 có rất nhiều khó khăn với ngành ô tô. Dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các công ty đều phải tính toán lại các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2020, theo hướng giảm để phù hợp với tình hình thực tế.
Việc giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp hầu như không thể sản xuất kinh doanh trong tháng đầu của quý II/2020. Đến tháng 5 và 6, nhu cầu mua sắm ô tô vẫn thấp, dẫn tới doanh số trên toàn hệ thống sụt giảm.
Nhu cầu giảm, trong khi hàng tồn kho cao, khiến cho áp lực giải phóng hàng tồn ngày càng khốc liệt. Tất cả các mẫu xe bán ra đều phải giảm giá. Những mẫu tồn kho lớn, phải đại hạ giá tới hàng trăm triệu đồng, làm lợi nhuận của doanh nghiệp và đại lý tụt giảm.
Một nhân viên bán ô tô nhận xét, tồn kho lớn, trong khi vẫn bị ép doanh số, nên đại lý thi nhau hạ giá, nhiều mẫu xe chấp nhận bán không có tý lãi nào. Tất cả chỉ trông chờ vào dịch vụ bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa.
Thông thường, lợi nhuận thu từ khoản sửa chữa, bảo dưỡng xe, thay thế phụ tùng, đảm bảo chi trả cho tất cả hoạt động của một đại lý, còn lợi nhuận bán xe được đồng nào, ông chủ bỏ túi đồng đó. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, nguồn thu từ bảo dưỡng sửa chữa xe giảm nhiều, lợi nhuận bán xe cũng không có khiến cho nhiều ông chủ méo mặt.
Tình cảnh này ngược lại hoàn toàn so với năm 2018, khi nhu cầu về ô tô tăng cao, nguồn cung không đáp ứng kịp. Giá xe khi đó tăng mạnh, mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô. Khách hàng muốn lấy xe sớm phải chấp nhận “bia kèm lạc”. Với các mẫu xe ăn khách, giá chênh từ 50-70 triệu đồng, thậm chí tới 100-150 triệu đồng. Theo ước tính, chỉ với 10 mẫu xe ăn khách, thiếu hàng, năm 2018 người tiêu dùng phải chi thêm hơn 1.000 tỷ đồng để được nhận xe sớm.
Theo VAMA, tồn kho ô tô 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 129%. Trong khi đó, từ đầu tháng 8, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia đang đổ về, với số lượng tăng và giá giảm. Hai quốc gia này đang khôi phục sản xuất ngành ô tô và cũng muốn giải phóng hàng tồn. Dự báo, nguồn cung ô tô từ nay đến cuối năm vẫn cao hơn cầu và kinh doanh ô tô vẫn tiếp tục đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, bất chấp việc giảm giá và lệ phí trước bạ.