Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM ghi dấu những bước tiên phong
(Dân trí) - Ngay khi Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TPHCM được xúc tiến thành lập, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã có những dự án điển hình, thu hút "đại bàng" về hợp lực để cùng khai mở động lực mới cho TPHCM và cả nước.
C4IR ở TPHCM, đặt tại Khu công nghệ cao, là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) vào các lĩnh vực kinh tế.
Sự kiện này không chỉ ghi nhận những nỗ lực của thành phố trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ mà còn khẳng định vị thế tiên phong của TPHCM trong hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm niềm tin và kỳ vọng ở C4IR tại TPHCM với 20 chữ: tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - đại diện thành viên đồng sáng lập C4IR tại TPHCM, nhà lãnh đạo tâm huyết với sự phát triển của cộng đồng công nghệ và sáng tạo tại Việt Nam, đã có những chia sẻ về các dự án lớn mà bà tham gia đồng hành cùng C4IR đang triển khai tại Khu Công nghệ cao. Đây cũng là những bước đi tiên phong đầu tiên song song với quá trình xúc tiến thành lập C4IR.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được giấy phép đầu tư tại Khu công nghệ cao, bà đã triển khai những Quỹ Hỗ trợ phát triển công nghệ cao. Các quỹ này giúp phát triển các công ty công nghệ và startup, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường toàn cầu.
Galaxy Innovation Hub được HDBank phát triển với diện tích hơn 35.000 m², khởi công vào năm 2020, hoàn thành vào cuối năm 2023, trở thành điểm đến hợp tác của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec, Nipro, Samsung, Intel, Facebook và Google…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, sự ra đời của Galaxy Innovation Hub không chỉ đánh dấu bước phát triển về cơ sở hạ tầng công nghệ, mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Cũng tại Khu công nghệ cao TPHCM, một trong những dự án tiêu biểu khác là Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Công nghệ Hàng không Vietjet. Khởi công từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2018, Trung tâm được vận hành bởi nhà sản xuất tàu bay Airbus, đào tạo hơn 50.000 lượt nhân lực hàng không mỗi năm, bao gồm công nghệ, kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng và sẵn sàng là nơi triển khai sản xuất linh kiện hàng không.
Dự án xây dựng Đại học Fulbright tại Khu Công nghệ cao đã được ngân hàng HDBank giải ngân gần 500 tỷ đồng. Dự án cũng được nêu trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, sự kiện khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM không chỉ là cột mốc quan trọng mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của các thành viên đồng sáng lập và các đối tác tham gia trong việc không ngừng sáng tạo, phát triển và lan tỏa những giá trị bền vững vì mục tiêu chung "Vì nước, Vì dân" mà Thủ tướng đã gửi gắm.