Trung Quốc và Mỹ nhập sắt thép bằng mọi giá, đúng kiểu "nhà giàu đi chợ"

(Dân trí) - Việc các nước ồ ạt mua bằng mọi giá sắt thép và nguyên liệu khiến giá các mặt hàng này nhảy vọt, xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam tăng khá "sốc".

Cụ thể, lượng sắt, thép xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết ngày 15/6 đã tăng vọt lên mức 5,3 triệu tấn, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sắt thép không phải là thế mạnh của Việt Nam, bởi hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng với giá trị gia tăng thấp, đều phải gia công.

Trong khi đó, các loại sắt, thép có hàm lượng gia tăng cao như thép phục vụ công nghiệp ô tô vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn nhập khẩu.

Trung Quốc và Mỹ nhập sắt thép bằng mọi giá, đúng kiểu nhà giàu đi chợ  - 1

Xuất khẩu sắt, thép của Việt Nam tăng mạnh.  

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng sắt, thép xuất khẩu của Việt Nam tính đến thời điểm 15/6 đạt 5,3 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Nếu so với cùng kỳ năm 2019 - năm nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn chưa chịu tác động tai hại bởi đại dịch Covid-19, lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam cũng chỉ đạt hơn 3 triệu tấn, giá xuất hơn 15.000 đồng/kg.

Mức giá sắt, thép xuất khẩu của Việt Nam hiện là 17 triệu đồng/tấn, tương đương 17.000 đồng/kg, đây là mức tương đối cao.

Việt Nam hiện cũng nhập khẩu hơn 6,4 triệu tấn sắt thép các loại, trong đó hơn 1.600 tấn phôi thép, giá nhập khẩu trung bình 18 triệu đồng/tấn, cao hơn so với giá xuất khẩu.

Hiện giá sắt, thép thế giới đang tăng mạnh do sự phục hồi kinh tế thế giới nhen nhóm bởi vắc xin phòng Covid-19. Ở các nước phát triển, nền kinh tế lớn có xu hướng gia tăng mua vào các nguyên nhiên liệu để chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục mạnh sau đại dịch.

Ở nhiều nước châu Âu, Mỹ hiện nay đã đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi tích cực tiêm vắc xin cho toàn dân. Trong khi đó, các cường quốc lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng dần mở cửa trở lại nền kinh tế và thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo nhận định của chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rất nhiều cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Mỹ tăng cường mua nguyên nhiên liệu để phòng trừ trường hợp giá các mặt hàng này tăng sốc.

"Họ mua bằng bất cứ giá nào, theo kiểu "nhà giàu đi chợ", bất chấp giá đó tăng rất cao. Mục đích cuối cùng để chuẩn bị cho quá trình tái phục hồi. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, có biện pháp nhằm giảm xuất khẩu những mặt hàng như sắt thép hiện nay, bởi nếu bị tăng mua, nhiều dự án đầu tư công sẽ bị đình trệ do giá sắt thép trên thị trường hiện tăng rất cao, nhiều nhà đầu tư, chủ thầu chấp nhận bị phạt tiến độ thay vì tiếp tục triển khai thi công bởi gánh lỗ quá lớn" - vị chuyên gia cho hay.

Ở trong nước, giá thép xây dựng liên tục tăng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 cho đến nay và luôn neo giá ở mức cao. Nhiều công trình như đầu tư công, dự án lớn bị ảnh hưởng do các nhà thầu gánh chịu thiệt hại bởi giá sắt thép tăng cao cùng một loạt nguyên liệu đầu vào đội giá "ăn theo".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm