Giá thép tăng "sốc": Động thái mới của liên Bộ với loạt "ông lớn"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Việc lập đoàn làm việc tại các doanh nghiệp thép có thị phần lớn trên thị trường diễn ra trong bối cảnh giá thép tăng đột biến thời gian qua.

Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (17/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã thành lập một đoàn làm việc với doanh nghiệp thép.

Thành phần đoàn bao gồm phía Bộ Công Thương cùng các cơ quan có liên quan khác như: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Hiệp hội thép Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương…

Giá thép tăng sốc: Động thái mới của liên Bộ với loạt ông lớn - 1

Đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp thép bắt đầu được triển khai từ hôm nay (17/6).

Cũng theo ông Hải, đối tượng làm việc sẽ cơ bản là những doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. "Thời gian kết thúc kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào diễn dịch Covid-19. Tuy nhiên sẽ cố gắng hoàn thành sớm trong khoảng một tháng" - ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - thông tin thêm, đoàn công tác sẽ làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, tình hình cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian vừa qua cũng như dự báo trong thời gian tới.

"Trong các báo cáo của Bộ Công Thương với Chính phủ về vấn đề giá thép đã nêu chi tiết về các nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, để nắm bắt cụ thể hơn ngoài các yếu tố chính như giá nguyên liệu quặng sắt, sắt phế, điện cực, phụ gia... đầu vào tăng cao trong thời gian qua còn có những nguyên nhân nào khác nữa không hay khả năng sản xuất của các doanh nghiệp (nguồn cung) thực tế có thể tối đa với sản lượng bao nhiêu..." - ông Thành cho biết.

Về thời gian làm việc của đoàn công tác liên ngành với các doanh nghiệp, ông Thành cho hay bắt đầu được triển khai từ ngày 17/6. Trước mắt, sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp phía Bắc, còn khu vực miền Nam đang có dịch diễn biến phức tạp nên sẽ xem xét sau.

Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc giá thép thế giới có xu hướng giảm nhiều phiên thời gian gần đây, trong khi trong nước mới hạ giá duy nhất một phiên hôm 7/6, ông Thành nói: Hôm 7/6 vừa qua, giá thép có điều chỉnh giảm. Theo đó thép xây dựng giảm 500 đồng/kg, thép cuộn 800 đồng/kg.

Cũng theo ông Thành, tại thời điểm đó giá quặng sắt giảm 4%, nhưng sau đó đến thời điểm này thì lại nhích lên. Hôm 7/6, giá quặng sắt khoảng 202,41 USD/tấn nhưng đến ngày 17/6 giá là 213,53 USD/tấn.

Trước đó, theo ghi nhận trên thị trường, tất cả thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với quý cuối năm trước. Mức tăng giá này được nhận định là rất cao, gây khó khăn cho nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Qua thống kê, Bộ Công Thương cho biết năng lực nguồn cung thì thừa nhưng "cung ứng" ra thị trường lại vấn đề khác. Bởi, dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.

Với tình hình này, Bộ Công Thương cho biết thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo "quan hệ cung-cầu". Do đó, việc nêu vấn đề có sự bắt tay của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao theo Bộ Công Thương là "không có cơ sở".

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 3/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề cập tới vấn đề tăng giá thép và khẳng định Bộ Công Thương không đề xuất lập quỹ bình ổn.

Ông Hải thông tin, ngày 8/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp.

Ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới, đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập quỹ bình ổn giá thép.