1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc thiếu điện: Thị trường hàng hóa sẽ hỗn loạn?

(Dân trí) - Những nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng của chính phủ Trung Quốc đang khiến giá hàng hóa tăng mạnh.

Trung Quốc thiếu điện: Thị trường hàng hóa sẽ hỗn loạn? - 1

Các nhà máy thép, mục tiêu chính của chiến dịch cắt giảm khí thải của Trung Quốc, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc hạn chế tiêu thụ điện (Ảnh: News.cn).

Giá các sản phẩm kim loại từ nhôm đến thép đã tăng vọt trong nhiều tháng qua do Trung Quốc hạn chế lượng điện tiêu thụ gia tăng ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm. Giờ đây, các nhà máy sản xuất hàng hóa cao cấp cũng bắt đầu cảm thấy khó khăn khi buộc phải cắt giảm công suất sản xuất để tiết kiệm điện. Điều này tạo ra rủi ro ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.

Điều tồi tệ hơn là cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đang lan sang lĩnh vực mà Bắc Kinh lo ngại nhất, đó là thực phẩm.

Thị trường hàng hóa công nghiệp, từ đậu nành cho đến niken, đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc.

An ninh lương thực

Đảm bảo cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đủ ăn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. Nhưng hiện nay tình trạng thiếu điện đã buộc các nhà chế biến đậu nành ở các tỉnh phía bắc nước này phải đóng cửa, khiến giá phân bón tăng vọt.

Một số nhà máy chế biến đậu nành của công ty Louis Dreyfus Co., Bunge Ltd và Yihai Kerry do hãng Wilmar International điều hành nằm trong số những nhà máy bị yêu cầu phải cắt giảm tiêu thụ điện.

Theo Bloomberg, mặc dù đến nay, nhu cầu đối với khô dầu đậu nành (dùng làm thức ăn chăn nuôi) đang suy yếu do giá thịt lợn giảm song nếu các nhà máy vẫn ngừng hoạt động sẽ càng khiến những người mua lớn nhất trì hoãn mua hàng và làm giảm xuất khẩu đậu nành của Mỹ.

Cũng có lo ngại rằng các động thái chính sách của Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ hoạt động của các nhà máy chế biến ngô, nhà môi giới hàng hóa Trung Quốc Huatai Futures cho biết.

Do tầm quan trọng của phân bón đối với an ninh lương thực nói chung, đà tăng giá của các loại hàng hóa nông sản đã khiến Bắc Kinh phải tăng cường giám sát. Trong tuần này, một công ty quốc doanh của nước này cho biết đã bị phạt vì tăng giá các sản phẩm phân bón. Trước đó, hồi đầu năm công ty này cũng đã bị cảnh báo về việc tích trữ hàng hóa và tăng giá bán.

Tác động đến kim loại

Tình trạng thiếu điện tại quốc gia tiêu thụ kim loại cơ bản hàng đầu đã gây ra những tổn thất về sản xuất ở các nhà máy luyện kim và chế tạo trong những tháng qua. Điều đó ảnh hưởng đến cả cung cầu của mọi hàng hóa, từ đồng cho đến thiếc.

Trung Quốc thiếu điện: Thị trường hàng hóa sẽ hỗn loạn? - 2

Tình trạng thiếu điện khiến giá nhôm tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 (Biểu đồ: Bloomberg).

Nhưng tác động lớn nhất được ghi nhận ở những nhà máy nhôm sử dụng nhiều năng lượng. Theo Goldman Sachs, nguồn cung nhôm đã giảm xuống - chỉ còn dưới 3 triệu tấn công suất luyện kim hàng năm - khiến giá nhôm tăng vọt đầu tháng này, lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Mặc dù con số đó chỉ chiếm 8% tổng công suất của Trung Quốc, nhưng khả năng nước này sẽ phải tiếp tục phân bổ điện cho các nhà máy khi nhu cầu tiêu thụ điện cao hơn trong mùa đông. Do đó, các ngành này sẽ còn chịu nhiều áp lực hơn nữa.

Sản xuất thép bị đình hoãn

Các nhà máy thép, mục tiêu chính của chiến dịch cắt giảm khí thải của Trung Quốc, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc hạn chế tiêu thụ điện. Điều đó khiến giá quặng sắt, nguyên liệu sản xuất thép chủ yếu, trong những tháng gần đây giảm còn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 5. Hơn 80 nhà máy thép tại nước này đã phải tạm ngừng sản xuất để bảo trì từ tháng 9, theo nhà nghiên cứu Mysteel.

Trong khi đó, niken đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 vào đầu tháng nay. Tuy nhiên, những lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã làm lu mờ triển vọng tiêu thụ thép không gỉ.

Theo Mysteel, tại tỉnh Phúc Kiến, trung tâm sản xuất thép không gỉ, một số nhà máy thép đã bắt đầu ngừng sản xuất. Sản lượng thép hàng tháng trên toàn quốc dự kiến giảm hơn một nửa triệu tấn.

Giá silicon cao kỷ lục

Theo Bloomberg, tác động của cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc lên một số thị trường hàng hóa ngách thậm chí còn lớn hơn. Giá silicon đã tăng cao kỷ lục trong tháng này sau khi Trung Quốc lệnh hạn chế sản xuất để tiết kiệm điện, dẫn đến nguồn cung eo hẹp.

Giá silicon đã tăng gấp 4 lần trong năm nay đe dọa đến các nhà sản xuất nhôm bởi silicon là một thành phần để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng chuyên biệt.

Nguồn cung silicon hạn chế cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá cả của polysilicon, một nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Shanghai Metal Markets.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm