Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: "Không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam"

(Dân trí) - "Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đối phó như thế nào? Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không? Đây là bài toán khó bởi phá giá VND làm mất niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ", Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề.

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam - 1

Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tuần qua, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới, do đó sẽ chịu ảnh hưởng bởi các diễn biến chung, điển hình là những cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang.

"Mỹ có dư địa đánh thuế Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc đánh thuế vào Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc dùng giải pháp phá gía đồng nhân dân tệ (NDT). Vừa qua Trung Quốc phá giá tiền tệ khoảng 2% nhưng nếu tính từ tháng 7/2018 trước đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã phá giá trên 9%. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam", ông Ngân nói.

Theo vị đại biểu, với những động thái mới nhất từ Trung Quốc, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn vào. 

Theo các số liệu thống kê, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lên tới 65,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Tổng thể, Việt Nam nhập siêu 23,9 tỷ USD từ quốc gia láng giềng. Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến Việt Nam tiếp tục gặp thêm những khó khăn.

"Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đối phó như thế nào? Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không? Đây là bài toán khó bởi phá giá VND làm mất niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ. Chính vì thế, Việt Nam phải hết sức khôn khéo và linh động. Đây là vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, ông nhấn mạnh.

Không chỉ ảnh hưởng từ những động thái từ phía Trung Quốc, ông Ngân cũng chỉ ra rằng: "Cũng liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong những diễn biến gần đây, đã có 2 lần Tổng thống Donald Trump nhắc tên Việt Nam. Mỹ đang quan tâm tới những quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào thị trường Mỹ và Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm những nước này".

Theo đại biểu TPHCM, những phát biểu gần đây của Tổng thống Donald Trump thường nhắc tới Việt Nam với nội dung rằng người dân Mỹ không mua hàng Trung Quốc thì có thể mua hàng Việt Nam vì nhà đầu tư các nước sẽ đổ về Việt Nam.

"Điều này cũng là lời cảnh báo gửi tới các nhà an ninh kinh tế của Mỹ nên quan tâm tới Việt Nam, tránh trường hợp hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hòng gian lận thương mại. Và Mỹ sẽ đánh thuế rất cao đối với những hàng hoá này, phía Việt Nam cần phải thận trọng", ông Ngân bình luận.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại gia Bùi Thanh Sơn nhận định, chiến tranh thương mại về ngắn hạn có lợi cho Việt Nam chứ không phải hoàn toàn bất lợi. Song về lâu dài cuộc chiến này sẽ tác động lớn tới Việt Nam khi tổng cầu thương mại của thế giới giảm sút.

"Chính phủ cần sớm có đối sách, biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trước chiến tranh thương mại để tận dụng ưu thế ngắn hạn, tăng xuất khẩu nhưng đảm bảo tránh bị đưa vào danh sách xuất siêu. Cái này rất khó khăn nhưng cần phải làm và có thể làm được", Thứ trưởng nói.

Bên cạnh thương mại, với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng mạnh, đặc biệt là với sự dẫn đầu của Trung Quốc nhờ số lượng dự án đầu tư cao, ông Ngân cho rằng, cần phải kiểm soát để có thể chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, "tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh".

"Chúng ta phải lập hàng rào kỹ thuật như thế nào để ngăn ngừa, kiểm tra những công nghệ lỗi thời, chọn lọc lấy những công nghệ tốt. Làm sao để bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước, không quá ưu đãi cho FDI, cần bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước. Đó cũng là vấn đề phải tính toán”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cũng tỏ ra quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

"Việt Nam đón đầu tư nước ngoài phải chọn lọc chứ không phải nhắm mắt tiếp nhận. Chúng ta cần đề phòng họ đưa những công nghệ đã lỗi thời vào", ông lưu ý và cho rằng, chính sách thu hút đầu tư cần xem lại để không ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp FDI, khiến các công ty trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, xu hướng hiện nay là các nhà đầu tư đang chuyển khỏi Trung Quốc và Việt Nam có thể là một điểm đến của các nhà đầu tư này. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để thu hút được nguồn đầu tư chất lượng, tham gia đúng chuỗi giá trị xuất khẩu sang các nước, tránh bị tuồn vào công nghệ lạc hậu, không có giá trị, gây khó khăn về sau.

Phương Dung