1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc gặp khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam liệu bị tác động gì?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét và có phản ánh nhất định các trường hợp về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.

Theo đài ABCNews, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc đang lan rộng trên khắp cả nước và đã ảnh hưởng tới thủ đô Bắc Kinh. Không chỉ các nhà máy đặt trụ sở ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, hàng trăm triệu dân sẽ phải chịu cảnh cắt điện luân phiên trong thời gian tới.

Nhiều yếu tố châm ngòi cho đợt thiếu điện này, trong đó bao gồm việc giá than tăng phi mã do nhu cầu điện sản xuất hậu đại dịch Covid-19 tăng mạnh cũng như mục tiêu giảm phát carbon đầy tham vọng của Trung Quốc ảnh hưởng tới ngành nhiệt điện.

Trên khắp Trung Quốc, nhiều nhà máy ở các thành phố công nghiệp đã phải đóng cửa, dừng hoạt động vì thiếu điện. Khoảng 60% nền kinh tế Trung Quốc vận hành nhờ than đá, theo ABC.

Không ít chuyên gia đặt ra lo ngại về việc thiếu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam khi chúng ta nhập khẩu than từ quốc gia này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/9, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - cho biết, trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện. Điều này dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường, cũng bị giảm sút.

Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp Việt Nam về việc thiếu nguyên liệu đầu vào.

Trung Quốc gặp khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam liệu bị tác động gì? - 1

ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Ảnh: PT).

Ông Thành chia sẻ, thực tế chúng ta đã đối mặt với việc này từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu vào năm 2020. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi.

Bên cạnh đó, với lần tái dịch bệnh lần 3, 4 diễn ra trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng từ đó bị giảm sút, thậm chí có những doanh nghiệp của 19 tỉnh phía Nam phải dừng hoạt động.

Chính vì vậy theo ông Thành, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chúng ta chưa thấy rõ sự thiếu hụt và các doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến vấn đề này.

"Về lâu dài, một số mặt hàng, chẳng hạn như mặt hàng thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như thép xây dựng, chúng ta không lo ngại về vấn đề lệ thuộc vào các nước bạn. Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam" - Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành khẳng định.

Ông Thành cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét và có phản ánh nhất định các trường hợp về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các doanh nghiệp.

Được biết tại Trung Quốc tính tới nay, khoảng 20/31 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc được cho là đã phải cắt điện liên tục và Tập đoàn Điện lực nhà nước của Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch phân bổ điện cho thủ đô. Hầu hết các quận ở Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các đợt cắt điện từ ngày 27-30/9.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, giá than ở Trung Quốc sẽ có xu hướng không giảm trong thời gian tới, dẫn tới viễn cảnh tình trạng thiếu điện có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai gần.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang chứng kiến hậu quả rõ rệt của tình trạng thiếu điện khi nhiều hãng công nghệ lớn đang có dấu hiệu bị chậm hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng vì các nhà máy không thể hoạt động.