Trung Quốc: Doanh nghiệp ngắc ngoải chờ vốn

(Dân trí) - Được triển khai với mục tiêu kiểm soát “tín dụng đen” và giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận vốn, thế nhưng nhiều tháng qua những cải cách tài chính tại Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó các doanh nghiệp ngắc ngoải chờ vốn.

Kể từ mùa Hè 2011, những dấu hiệu khủng hoảng tín dụng tư nhân (hay còn gọi là “tín dụng đen”) tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, một trung tâm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, đã liên tiếp xuất hiện. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phá sản còn kinh tế tư nhân trong tình trạng khốn đốn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc vẫn mòn mỏi chờ vốn
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc vẫn mòn mỏi chờ vốn

Để khắc phục tình hình, ngày 28/3/2012 Bắc Kinh quyết định chọn Ôn Châu làm địa phương đầu tiên để thử nghiệm những cải cách tài chính, trong đó có việc hợp pháp hóa hoạt động “tín dụng đen”. Đây được kỳ vọng như một liều “thuốc kích thích” cho thành phố này và rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã hào hứng chuẩn bị để được thành lập ngân hàng và các công ty cho vay.

Thế nhưng sau 4 tháng, sự hào hứng ấy đang dần biến mất khi nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng những cải cách họ kỳ vọng diễn ra quá chậm và nhỏ giọt. “Một số người hỏi tôi rằng tình hình tài chính tại Ôn Châu đã được cải thiện ra sao sau hơn 100 ngày cải cách? Những thành quả đạt được là gì? Lợi ích nó đem lại cho các SME và doanh nghiệp tư nhân ra sao? Thực lòng tôi không thể trả lời những câu hỏi ấy”. Zhou Dewen, chủ tịch của Hiệp hội phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Ôn Châu phát biểu trên diễn đàn về cải cách tài chính hôm 31/7.

Yang Jaxing, một nhà kinh doanh kỳ cự trong lĩnh vực tài chính tư nhân ở Ôn Châu cũng ngao ngán phát biểu với báo giới: “Cứ với tình hình hiện nay thì cải cách tài chính không dễ xảy ra”. Ngay từ năm 1986, sau khi chính quyền tuyên bố “sẽ đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính”, ông Yang cùng bạn mình là Cai Zhaoqing đã lập nên ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên tại Trung Quốc.

Thế nhưng sau đó ngân hàng của ông buộc phải trở thành một ngân hàng quốc doanh. Yang cùng bạn mình đã nhiều lần xin giấy phép thành lập ngân hàng nhưng không thành công. Đến đầu năm nay, khi hay tin cải cách tài chính tại Ôn Châu đã được chính quyền trung ương phê duyệt, ông Yang nay đã ở tuổi 70 lại khấp khởi hy vọng.

Một trong số 12 nhiệm vụ của cải cách tài chính tại đây đó là thúc đẩy nhanh sự phát triển của các loại hình tổ chức tài chính mới để hỗ trợ đưa dòng vốn của tư nhân vào các định chế tài chính địa phương, thành lập các công ty cho vay và tái cấu chúc các công ty đó để trở thành các ngân hàng cấp làng và thị trấn.

Tháng 5 vừa qua, Ủy ban quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc cũng ra thông báo khuyển khích và hướng dẫn để vốn của tư nhân được đưa vào hệ thống ngân hàng. Ông Yang một lần nữa lại cùng các đối tác xin giấy phép thành lập ngân hàng phát triển nông thôn Ôn Châu với vốn đăng ký 2 tỷ nhân dân tệ.

“Tôi hy vọng chúng tôi có thể cho vay với lãi suất 1%/tháng, chỉ bằng một nửa so với mức lãi suất các công ty cho vay đang áp dụng. Chúng tôi giờ đã quá già và việc kinh doanh này không chỉ vì lợi nhuận. Ôn Châu có nhiều ngân hàng nhưng lại thiếu ngân hàng hỗ trợ các SME”, ông Yang chia sẻ. Thế nhưng sau vài tháng, ông vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính quyền.

Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng tương tự khi các dự án thành lập 2 ngân hàng Wenzhou Modern Commercial Holdings Bank và Overseas Chinese Bank đều bị “treo”. Đáng nói là trước đó, chính các quan chức thành phố Ôn Châu đã hướng dẫn nhà đầu tư thành lập các công ty cho vay sau đó sẽ tái cấu trúc thành các ngân hàng.

Tình trạng trên khiến các doanh nghiệp cũng ngao ngán bởi họ tiếp tục phải vay vốn từ các công ty cho vay với mức 1,7%/tháng, cao hơn gấp đôi mức lãi suất 0,6 – 0,7%/tháng của các ngân hàng. “Các doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lớn về nguồn vốn”, Chen Jinqiang tổng giám đốc của Trung tâm thị trường văn phòng phẩm Ôn Châu nói. “Các doanh nghiệp truyền thống ở Ôn Châu có suất sinh lời rất thấp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không đạt 10%. Vậy nên nếu họ vay vốn từ các công ty cho vay, liệu họ có chị nổi chi phí?”.

Lin Jianhai, chủ một xưởng sản xuất da cho biết trước đây doanh nghiệp của ông vay vốn từ cả ngân hàng lẫn từ các công ty cho vay tư nhân. Nhưng từ đầu năm nay cả 2 kênh này đều đóng kín. Ông Lin lo ngại sắp tới dù có nhận được đơn hàng lớn cũng chẳng thể giao hàng. “Chúng tôi từng hy vọng cải cách tài chính sẽ giúp tình hình tốt hơn trong thời gian ngắn nhất. Thế nhưng 4 tháng đã qua mà chúng tôi không thấy có thay đổi gì”.

Theo ông Zhou Dewen, nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ trong đổi mới này chính là quy định các công ty cho vay muốn trở thành ngân hàng phải có cổ đông là một ngân hàng đang hoạt động và nắm tối thiểu 15% cổ phần tại ngân hàng sắp thành lập. Quy định này khiến các nhà đầu tư tư nhân cảm thấy mình bị mất quyền tự chủ.

Trong lúc chính quyền và các nhà đầu tư còn chưa tìm được giải pháp thì tình hình kinh tế tại Ôn Châu và cả tỉnh Chiết Giang tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Theo số liệu của Ủy ban kinh tế và tài chính Chiết Giang, có đến 60,4% doanh nghiệp ở Ôn Châu phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất trong 6 tháng đầu năm.

Sản lượng các doanh nghiệp cũng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời nhu cầu tiêu thụ điện, một chỉ báo đáng tin cậy nhất về hoạt động sản xuất giảm tới 5,7%. “Áp lực do thiếu vốn thực sự lớn. Đã có những sự sụt giảm rõ rệt về lợi nhuận cũng như số lượng đơn hàng”, một quan chức của Ủy ban trên khẳng định.

Tình hình này khiến nhiều doanh nghiệp như đang ngồi trên đống lửa: “Người ta nói rằng phải mất 2-3 năm cải cách tài chính mới tạo ra những thay đổi lớn. Nhưng với chúng tôi sẽ rất khó để tồn tại thêm 2 hay 3 năm nữa”, Lin, chủ xưởng sản xuất da nói.

Thanh Tùng
Theo EEO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm