Trung Quốc đổ hàng tỷ đô vào nhiệt điện than ở Việt Nam
(Dân trí) - Trong tổng số 35,9 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào nhiệt điện than ở các nước, Bangladesh là nước nhận được cam kết tài trợ nhiều nhất với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam, Nam Phi, Pakistan và Indonesia.
Đổ 35,9 tỷ USD đầu tư nhiệt điện than cho 27 quốc gia
Trong khi các tổ chức tài chính trên thế giới đang dần rút khỏi nhiệt điện than để hạn chế rủi ro tài sản bị mắc kẹt thì đất nước đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo là Trung Quốc đang tài trợ cho hơn 1/4 các nhà máy nhiệt điện than hiện đang được phát triển bên ngoài nước này, theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ.
Báo cáo “Trung Quốc ở ngã tư đường: Hỗ trợ liên tục cho điện than làm suy yếu vai trò lãnh đạo năng lượng sạch của Trung Quốc” đã xem xét việc tài trợ của Trung Quốc cho các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu ở 27 quốc gia, trong khi vượt qua Mỹ và Đức để trở thành nhà xuất khẩu một số hàng hoá và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Báo cáo của IEEFA cho thấy các tổ chức tài chính Trung Quốc, cả tổ chức tài chính phát triển và các ngân hàng do nhà nước kiểm soát, đã cam kết hoặc đề xuất tài trợ cho hơn 1/4, tương đương 102 gigawatt (GW) trong 399GW công suất nhiệt điện than hiện đang được phát triển bên ngoài Trung Quốc tính đến tháng 7/2018.
Cụ thể, các khoản tài trợ của Trung Quốc bao gồm cả đầu tư vào các mỏ than xuất khẩu, nhà máy nhiệt điện than và cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng liên quan. Trong đó, 21,3 tỷ USD đã được Trung Quốc cam kết tài trợ để phát triển hơn 30 GW công suất nhiệt điện than tại 12 quốc gia; 14,6 tỷ USD được đề xuất tài trợ cho xây dựng hơn 71 GW ở 24 quốc gia, nâng tổng giá trị tài trợ lên đến 35,9 tỷ USD để phát triển 102 GW công suất nhiệt điện than ở 27 quốc gia.
Đáng nói, Bangladesh nhận được cam kết tài trợ nhiều nhất từ Trung Quốc với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD để phát triển 14GW công suất nhiệt điện than, tiếp theo là Việt Nam, Nam Phi, Pakistan và Indonesia.
Theo bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của đất nước.
“Nếu chúng ta chọn con đường phát triển nhiệt điện than, tình trạng ô nhiễm không khí độc hại vốn đã bao trùm các thành phố sẽ trở nên tồi tệ hơn, buộc chúng ta phải sống như những công dân hạng hai trong nhiều thập kỷ tới. Đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng định hình Đông Nam Á, nhưng khi làm như vậy, họ phải đầu tư vào năng lượng tái tạo sạch, không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng than bẩn”, bà Khanh nói.
Nhận tài trợ, cẩn thận dính bẫy nợ
Việc tiếp tục tài trợ cho điện than trên khắp châu Á làm suy yếu vai trò đi đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, đồng tác giả báo cáo, bà Melissa Brown, Chuyên gia Tư vấn tài chính năng lượng của IEEFA cho biết, việc tài trợ cho các dự án nhà máy điện than khiến Trung Quốc và 27 quốc gia phụ thuộc vào tài trợ của Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với kết quả kinh tế tồi tệ khi toàn thế giới đang rời xa điện than.
“Logic lỗi thời về thiết kế hệ thống điện của Trung Quốc vẫn tiếp tục chi phối thói quen tài trợ ra nước ngoài của nước này. Các tổ chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc cũng tụt hậu so với các đồng nghiệp toàn cầu trong việc chính thức hạn chế đầu tư vào các nhà máy điện than trên thị trường quốc tế, khiến nhiều nước gặp rủi ro tài sản mắc kẹt khi đấu tranh để thích nghi với việc điện than trở nên lỗi thời”, đồng tác giả Christine Shearer nhận định.
Báo cáo còn cho thấy hầu hết tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc đang được cung cấp bởi các ngân hàng quốc Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng các nhà máy với lực lượng lao động chủ yếu là người Trung Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một phần lớn các dự án điện than của Trung Quốc đã được lên kế hoạch chưa đạt được thoả thuận tài chính cuối cùng ở một số quốc gia, nhiều khả năng các thỏa thuận đó có thể không được thực hiện hoặc bị hủy bỏ.
Hồng Vân