Trung Quốc đề xuất các quy định mới về ESG, tham vọng bắt kịp châu Âu

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các quy định ESG mới của Trung Quốc hướng đến việc đồng bộ với tiêu chuẩn của châu Âu và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn gặp nhiều khó khăn.

Trung Quốc vừa công bố quy định báo cáo ESG mới cho các doanh nghiệp lớn hoạt động tại nước này. Cụ thể, theo quy định mới, hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải công bố báo cáo tính bền vững từ năm 2026. Các doanh nghiệp này hiện chiếm hơn một nửa tổng giá trị vốn hóa thị trường. 

Việc báo cáo hoạt động quản trị và chiến lược ESG phải đi kèm các số liệu về kế hoạch chuyển đổi năng lượng và tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Boya Wang, chuyên gia phân tích ESG tại công ty tài chính Morningstar, cho rằng các quy định mới này sẽ giúp chuẩn hóa việc báo cáo ESG tại Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu rủi ro "tẩy xanh" doanh nghiệp (greenwashing) cho các công ty quản lý quỹ. 

"Chính phủ Trung Quốc hy vọng việc doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tổ chức", ông Wang nhấn mạnh.

Theo ông Wang, sự thay đổi này có thể giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi đầu tư ESG sang các ngành truyền thống có lượng khí thải cao như thép hay nông nghiệp.

Trung Quốc đề xuất các quy định mới về ESG, tham vọng bắt kịp châu Âu - 1

Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc (Ảnh: Getty Images).

Gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc có xu hướng giảm. Năm 2023, đầu tư trực tiếp giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm do khủng hoảng của thị trường bất động sản, rủi ro giảm phát... Điều đó đã khiến tăng trưởng kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng bước vào năm thứ 4 liên tiếp giảm điểm. Không những vậy, nhà đầu tư nước ngoài còn liên tục rút vốn khỏi thị trường chứng khoán nước này.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài chuỗi bán ròng theo quý kỷ lục trong năm 2024. Cuối năm 2023, giữa đợt bán tháo, các nhà đầu tư đã rút hàng tỷ USD khỏi các quỹ ESG của Trung Quốc, trị giá khoảng 39 tỷ USD, theo số liệu từ Morningstar.

Bắc Kinh tin rằng các quy định ESG mới sẽ thúc đẩy xu hướng đầu tư xanh. Trung Quốc có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục phê duyệt các dự án sản xuất than.

Tuy nhiên, nước này cũng đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện. Hiện Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời. BYD cũng là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg