ESG là gì, vì sao được cả thế giới quan tâm?
(Dân trí) - Những năm gần đây, thuật ngữ ESG đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết khi xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn lúc nào hết, cả thế giới quan tâm ESG.
ESG vì sao quan trọng?
Từ viết tắt ESG ra đời vào giữa những năm 2000 trong một báo cáo của chuyên gia đầu tư Ivo Knoepfel. Ông lập luận rằng các yếu tố ESG trong phân tích tài chính nên được tính đến trên thị trường vốn vì chúng giúp xác định rủi ro, tác động đến việc đánh giá doanh nghiệp và dẫn đến thay đổi xã hội tích cực.
Ở cấp độ cơ bản nhất, ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Dữ liệu về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng tính minh bạch, nắm bắt các rủi ro phi tài chính và cơ hội đối với hoạt động hàng ngày.
ESG bao gồm một loạt các khía cạnh kinh doanh mà phân tích tài chính có thể không xem xét theo cách truyền thống. Việc không đo lường được rủi ro ESG có thể gây ra tổn thất tài chính đáng kể cho doanh nghiệp.
3 trụ cột của ESG
Environmental (Môi trường): Khía cạnh môi trường của ESG liên quan đến cách thức hoạt động của một doanh nghiệp hoặc tổ chức với tư cách là người quản lý môi trường tự nhiên, tập trung vào tất cả khía cạnh của tính bền vững, bao gồm chất thải và ô nhiễm, khai thác tài nguyên, phát thải khí nhà kính, phá rừng, biến đổi khí hậu…
Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng nếu không hành động có trách nhiệm với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, họ sẽ làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, khiến không chỉ hành tinh của chúng ta mà cả khả năng hoạt động của họ gặp rủi ro. Thay vì coi tác hại môi trường là hậu quả tất yếu của hoạt động kinh doanh, họ trở thành một phần của giải pháp.
Social (Xã hội): Trong ESG, tiêu chí xã hội xem xét tác động của hoạt động của một tổ chức đối với lao động và nhân quyền của nhân viên và các thành viên khác trong cộng đồng, bao gồm điều kiện làm việc, trả lương ngang bằng và tạo môi trường hòa nhập…
Khía cạnh môi trường của ESG thường có thể vượt trội hơn các khía cạnh xã hội hoặc quản trị vì tác động của một tổ chức đối với môi trường có thể dễ dàng định lượng hơn. Tuy nhiên, tác động của tổ chức đối với người lao động và nhân viên là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm.
Governance (Quản trị): Khía cạnh quản trị của ESG nhằm mục đích xác định cách một công ty tự xây dựng chính sách hoặc cách họ được quản lý. Trong khi các khía cạnh môi trường và xã hội tương đối đơn giản, khía cạnh quản trị có xu hướng gây nhầm lẫn nhiều nhất.
Quản trị có trách nhiệm trong một công ty gồm các nỗ lực liên quan đến tính minh bạch và tuân thủ như sử dụng các phương pháp kế toán chính xác và minh bạch, theo đuổi sự đa dạng trong việc lựa chọn lãnh đạo đồng thời tránh xung đột lợi ích, trách nhiệm giải trình với các cổ đông, tránh mọi hoạt động bất hợp pháp...
Trước đây, các nỗ lực xã hội và môi trường được coi là một phần của hoạt động kinh doanh hàng ngày và báo cáo ESG đang ngày càng trở nên quan trọng đối với mô hình kinh doanh vì nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro và tăng trách nhiệm giải trình của công ty.
Sự quan tâm của nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và những bên liên quan khác đối với lĩnh vực ESG đã dẫn đến việc báo cáo phát triển bền vững dần trở thành tiêu chuẩn đối với các công ty hiện nay.
Quy định tại một số quốc gia
Vương quốc Anh
Tháng 4/2022, Vương quốc Anh đã triển khai 2 luật bắt buộc về báo cáo ESG. Trong đó, các công ty bắt buộc phải đưa thông tin tài chính liên quan đến khí hậu vào báo cáo chiến lược của họ.
Liên minh châu Âu
Trước đây, một nhóm các công ty lớn (khoảng 11.000 pháp nhân) ở Liên minh châu Âu (EU) đã được yêu cầu tiết lộ thông tin ESG theo quy định liên quan đến báo cáo phi tài chính (NFRD).
Tuy nhiên năm nay, NFRD đã được thay thế bằng quy định mới về báo cáo tính bền vững của doanh nghiệp (CSRD). CSRD đã mở rộng phạm vi các công ty bắt buộc phải tuân thủ, bao gồm khoảng 50.000 công ty hoạt động tại EU.
Mỹ
Hiện tại, các công ty tại Mỹ chưa có nghĩa vụ bắt buộc tiết lộ thông tin về ESG cấp liên bang.
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã đưa ra đề xuất "sửa đổi đổi các quy tắc và biểu mẫu báo cáo để đảm bảo thông tin nhất quán, có thể so sánh và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư về việc tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào báo cáo của doanh nghiệp".
Đầu tư theo chuẩn mực ESG
ESG đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng để các nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội xác định những khoản đầu tư tiềm năng nào đáng để mạo hiểm và tránh tổn thất tài chính khi rót tiền cho những công ty tham gia vào các hoạt động phi đạo đức.
Đầu tư ESG là hình thức lựa chọn đầu tư dựa trên các tiêu chí ESG của một doanh nghiệp, tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cân nhắc các yếu tố trên trước khi đưa ra quyết định rót vốn. Thời điểm hiện tại, không ít nhà đầu tư tin rằng hình thức này có thể đem lại lợi ích cho chính họ và xã hội.
Hoạt động đầu tư ESG đã phát triển mạnh, tăng 456% trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2020. Sự gia tăng này phù hợp với mối quan tâm ngày càng tăng của các cá nhân và tổ chức trong việc tận dụng các khoản đầu tư của họ để đạt được lợi ích tài chính và tạo ra tác động xã hội tích cực.
Theo báo cáo của công ty tư vấn quản trị McKinsey, hoạt động đầu tư theo định hướng ESG đã chứng kiến sự gia tăng vượt bậc. Năm 2019, đầu tư toàn cầu vào các hoạt động kinh doanh bền vững đã vượt quá 30.000 tỷ USD. Đây là mức tăng 68% so với năm 2014 và tăng gấp 10 lần kể từ năm 2004.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã thiết lập mối tương quan tích cực giữa hiệu suất đầu tư ESG và tăng trưởng tài chính. Một nghiên cứu của tập đoàn tài chính Fidelity (Mỹ) đã phân tích kỹ lưỡng các khoản đầu tư ESG toàn cầu từ năm 1970 đến năm 2014. Kết quả cho thấy một nửa số khoản đầu tư này hoạt động tốt hơn phần lớn các khoản đầu tư khác trên thị trường và chỉ 11% có hiệu suất kém.
Nghiên cứu sâu hơn do công ty dịch vụ tài chính Morningstar của Mỹ thực hiện đã nêu bật những đặc điểm thuận lợi của quỹ đầu tư tập trung vào ESG. Các quỹ này thể hiện sự biến động thấp hơn và đem lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian 10 năm, có tới 77% quỹ tập trung vào ESG vẫn hoạt động so với tỷ lệ 46% của các quỹ thông thường.
Còn trong hơn 2.000 nghiên cứu mà McKinsey phân tích, khoảng 70% xác định mối tương quan tích cực giữa ESG và hiệu quả tài chính. Nhiều công ty lớn đã công bố các báo cáo hàng năm đánh giá cách công ty của họ tiếp cận ESG và kết quả mà họ đạt được.