Trung Quốc: Cả gạo cũng nhiễm chất gây ung thư

(Dân trí) - Điều tra của một tờ báo tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết hơn 10.000 tấn gạo nhiễm độc kim loại catmi, một chất gây ung thư, đã bị một công ty quốc doanh tuồn ra các chợ tại tỉnh này suốt từ năm 2009.

Thông tin được tờ Nanfang Daily tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đăng tải ngày 27/2 và được nhiều tờ báo lớn tại Trung Quốc trích dẫn. 
(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đó, Tập đoàn ngũ cốc Thâm Quyến, một doanh nghiệp dự trữ gạo thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc và là nhà cung cấp chính tại thị trường Quảng Đông, đã mua số gạo trên năm 2009 từ các chi nhánh của Tổng công ty dự trữ lúa gạo Trung Quốc tại tỉnh Hồ Nam.

Phóng viên của Nanfang Daily sau khi mua gạo do công ty trên phân phối từ các cửa hàng bán lẻ chọn ngẫu nhiên tại Quảng Châu và đem đi xét nghiệm đã phát hiện các mẫu này đều bị nhiễm độc catmi, một loại kim loại độc hại có màu trắng như bạc, thường được sử dụng trong công nghệ mạ.

Điều đáng chú ý là dù biết rõ số gạo trên bị nhiễm độc và không thể bán cho người tiêu dùng, Tập đoàn ngũ cốc Thâm Quyến sau khi phản hồi tới các nhà cung cấp đã đưa ra điều kiện rằng sẽ chấp nhận phần lớn số gạo này nếu được giảm giá. Bài báo khẳng định.

Sau khi được giảm giá, họ đã bán số gạo nhiễm độc này ra thị trường với giá cao hơn cho nhiều khách hàng, bao gồm các nhà máy bột gạo tại Dongguan, một nhà máy bia tại Quảng Châu và nhiều nhà bán lẻ gạo tại Thâm Quyến.

Chỉ có 180 tấn gạo nhiễm độc được một nhà cung cấp tại tỉnh Hồ Nam thu hồi, nhưng sau đó số gạo này cũng được họ đem bán cho một nhà máy sản xuất bột gạo tại Foshan, tỉnh Quảng Đông.

Tập đoàn ngũ cốc Thâm Quyến được cho là biết rõ về tình trạng gạo nhiễm catmi vượt tiêu chuẩn cho phép từ trước đó vài năm, ngay khi họ bắt đầu làm ăn với các nhà sản xuất tại Hồ Nam. Nhưng thay vì ngừng hợp tác, họ tiếp tục mua gạo với số lượng lớn cho đến khi giá gạo đi xuống trong năm 2009.

Dẫn nguồn tin từ một số nhà quản lý dự trự gáo tại tỉnh Hồ Nam, tờ báo cho biết, do tồn kho lượng lớn gạo nhiễm độc trong khi giá bắt đầu giảm, tập đoàn ngũ cốc Thâm Quyến đã tìm cách thuyết phục các nhà cung cấp tại Hồ Nam giảm giá cho lô hàng đã mua. 

Sau khi bị từ chối, họ dùng chính kết quả kiểm nghiệm kim loại catmi không đạt chuẩn để ép các nhà cung cấp giảm giá. Tức giận với việc bị xử ép, các nhà cung cấp tại Hồ Nam đã ngừng tòan bộ hoạt động kinh doanh với tập đoàn ngũ cốc Thâm Quyến.

Trong vài năm gần đây, tập đoàn trên đã cử các nhân viên thu mua tới thủ phủ Changsha của tỉnh Hồ Nam với những đơn đặt hàng lớn, đồng thời hứa sẽ giúp các nhà cung cấp ở đây thu lời cao. Tuy nhiên những đề nghị của họ đều bị từ chối. Chen Jian, một nhà quản lý thuộc văn phòng dự trữ lúa gạo tại Changsha cho biết.

Theo vị quan chức này, gạo nhiễm độc catmi rất phổ biến tại Hồ Nam do đất, nguồn nước và không khí đều bị nhiễm bẩn. Nhưng dù có hàm lượng catmi vượt xa mức cho phép, gạo ở khu vực này vẫn được mua nhiều. 

Nanfang Daily cho biết việc kiểm tra chất lượng gạo tại Hồ Nam được thực hiện rất lỏng lẻo. Các quy trình kiểm tra ở đây đều không xét nghiệm lượng tồn dư thuốc từ sâu hoặc hàm lượng catmi. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các sản phẩm được lấy mẫu, còn lại phần lớn gạo đều không qua kiểm tra. 
 
Bài báo trên còn khẳng định để có được một giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, các nhà cung cấp chỉ phải “lót tay” 5000 nhân dân tệ (khoảng 802,5 USD). 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, gạo nhiễm độc catmi có thể gây ung thư do đây là kim loại nặng, có thể lưu lại trong cơ thể người tới 30 năm. Nó cũng có thể gây ra bệnh Itai-itai, một loại bệnh nhiều người Nhật từng mắc phải với triệu chứng là các khớp, xương đau nhức nhối.

Đây không phải lần đầu tiên scandal gạo nhiễm độc cadmi bị phát giác tại Trung Quốc. Tháng 2/2011, đại học Nông nghiệp Nam Kinh từng công bố một bản báo cáo đăng trên tạp chí Century Weekly cho biết, khoảng 10% gạo bán tại Trung Quốc nhiễm kim loại nặng này. 

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu lấy mẫu 91 loại gạo từ các chợ tại 6 vùng sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc năm 2007. Kết quả xét nghiệm cho thấy 10% số mẫu gạo có chứa hàm lượng kim loại catmi vượt chuẩn.

Thanh Tùng
Tổng hợp