Trung Đông - Tiềm năng cho nông sản Việt còn lớn

(Dân trí) - Trung Đông là thị trường rất lớn, đồng thời là cửa ngõ, cầu nối sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Iran nói riêng và Trung Đông nói chung là bổ trợ cho nhau nên tiềm năng thương mại giữa hai bên là rất lớn.

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị “Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Trung Đông” diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Cường, thị trường Trung Đông là thị trường tiềm năng rất lớn đối với thương mại nông sản, thị trường này có 16 nước với tổng quy mô dân số gần 400 triệu dân. Đây là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu hỏa và còn có với sức mua rất lớn. Riêng về nông sản, thị trường này yêu cầu rất nhiều loại nông sản mà thị trường Việt Nam có thể đáp ứng, ví dụ như gạo, hàng năm khu vực này cần khoảng từ 5- 7 triệu tấn gạo thương mại.

Ngoài ra, các nhóm mặt hàng về rau quả, thủy sản cũng thế mạnh của Việt Nam như: cam, chanh, dứa… và các loại đồ uống mà thị trường Trung Đông cũng rất cần.

Tuy nhiên, cho tới nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên còn rất thấp do nhiều nguyên nhân. Hiện hai bên còn gặp khó khăn trong khâu thanh toán cho các hợp đồng thương mại và chuyển tiền đầu tư. Doanh nghiệp hai bên chủ yếu hợp tác thanh toán qua các ngân hàng trung gian ở Dubai, Trung Quốc, Singapore hoặc một số nước châu Âu với chi phí trung gian và rủi ro tài chính cao.

Quang cảnh Hội nghị...
Quang cảnh Hội nghị...

“Hiện tại thương mại chúng ta mới đảm bảo khu vực này đạt gần 9 tỷ USD. Nhưng chúng tôi nhận định với tiềm năng và lợi thế lớn như vậy, riêng mặt hàng nông sản của Việt Nam sang khu vực này con số có thể đạt được hơn 10 tỷ” – ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tìm hiểu thị trường này và đặc biệt là thị trường Iran, trong thời gian tới, sẽ thúc đẩy rất nhanh khối thị trường Iran để sớm có kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD theo chủ trương của lãnh đạo nhà nước trong vấn đề xúc tiến đến thị trường Trung Đông trong đó có Iran.

Hiện nay kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt con số từ 32 – 34 tỷ USD/năm. Để khai thác được thị trường Trung Đông nói riêng cũng như tất cả các thị trường khác, điều đầu tiên là chúng ta phải tổ chức chất lượng ngành hàng cho tốt. Điều đó, thể hiện ở chỗ tất cả các mặt hàng của chúng ta phải tổ chức theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu thương mại phải gắn kết với nhau.

Khuyến khích bà con nông dân để làm sao các trang trại liên kết hộ nông dân thành hợp tác xã, liên kết giữa hợp tác xã thành doanh nghiệp để hình thành quy mô khép kín đối với từng nhóm ngành hàng ở từng cấp độ quy mô nhất định. Trên cơ sở đó, đưa quy trình kỹ thuật vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản phẩm, đưa ra chất lượng phù hợp từng loại nhóm thị trường. Từ đó, chúng ta mới có thể thâm nhập được không chỉ thị trường Trung Đông mà còn có thể thâm nhập được nhiều nhóm thị trường khác.

“Nông sản Việt Nam đều đủ sức đi vào thị trường Trung Đông với điều kiện tổ chức ngành hàng thật chặt chẽ, chuỗi giá trị và có kiểm soát từ đầu cho tới khâu cuối cùng của quá trình hàng hóa và lưu thông thị trường” – ông Cường lưu ý thêm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông, những năm qua liên tục gia tăng. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 10,887 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm 2011. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,059 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông đạt 2,828 tỷ USD.

Nguyễn Dương