Doanh nghiệp thấy "cô đơn" khi tiếp cận thị trường Trung Đông và hồi giáo

(Dân trí) - Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, thị trường các quốc gia Trung Đông và hồi giáo rất có sức tiêu thụ rất lớn, nhưng sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao với các DN vẫn còn ít và dường như các DN đang cảm thấy cô đơn tại các thị trường này.

Trong buổi gặp mặt chiều nay (23/5) do VCCI tổ chức, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài liên tục nhận được những “đề bài” từ phía các doanh nghiệp trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như: phần mềm, cơ khí tự động hóa, mỹ phẩm, dược phẩm công nghệ cao,...

Toàn cảnh buổi gặp mặt và làm việc với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài
Toàn cảnh buổi gặp mặt và làm việc với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài

Ngay cả những thị trường nhiều rủi ro như Trung Đông, DN chè cũng rất mạnh dạn đặt vấn đề với trưởng đại diện các khu vực này. Ông La Mạnh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chè Việt Nam cho biết: “Chè Việt Nam là sản phẩm đặc thù, đứng hàng thứ 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu. Trong đó, thị trường các quốc gia Trung Đông và hồi giáo rất có sức tiêu thụ rất lớn, bởi họ không uống rượu, bia. Nhưng sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao với các DN vẫn còn ít và dường như các DN đang cảm thấy cô đơn tại các thị trường này.”

Theo ông Tiến, hiện nay, công ty đã xuất khẩu hơn chục ngàn tấn sang thị trường Afghanistan, Pakistan, nhưng cổng này khá chật hẹp vì bom xuống sẽ bị tắc. Ngay cả Iran và Iraq là 2 thị trường tiềm năng nhưng cũng không có cơ quan nào để có thể thẩm định được các DN đối tác, giúp DN bán hàng hoặc thu hồi công nợ.

“Tuy khó khăn là vậy nhưng DN luôn sẵn sàng khai mở thị trường này, vì khi ở đây hòa bình thì sẽ là thị trường vô cùng tiềm năng, nên rất cần sự giúp đỡ từ trưởng đại diện khu vực Trung Đông”, ông Tiến khẳng định.

Về lĩnh vực dược phẩm công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cho hay: “Công ty có dự án khoảng 4 triệu USD nghiên cứu về sản phẩm dược phẩm công nghệ cao, nhưng chưa có điều kiện để tạo ra Enzym tổng hợp sản lượng cao. DN cũng chưa thể xử lý được triệt để mùi hương của sản phẩm, mặc dù đã hợp tác với một phòng nghiên cứu tại Đức. Nên muốn nhờ các trưởng cơ quan đại diện tìm kiếm đối tác phù hợp tại thị trường sở tại để kết nối, hợp tác và phát triển sản phẩm.”

Tỏ ra không thua kém gì các nhà thầu lớn nước ngoài, đại diện một DN chế tạo cơ khí tự động hóa của Việt Nam cho biết, họ đã cạnh tranh được với nước ngoài và thắng thầu với mức giá chỉ bằng một nửa. Vì thế, DN cũng rất tha thiết muốn tạo dựng được thị trường để xuất khẩu chế tạo cơ khí tự động hóa ra nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp này đi xa hơn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến của các DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại sứ tại Ukraina đã nêu ra một vài kiến nghị với các DN muốn thâm nhập thị trường Ukraina. Theo đó, các DN muốn thâm nhập thị trường này cần phải có ý tưởng về phương thức thanh toán. Đặc biệt kiến nghị về việc nên kí kết 1 hiệp định hoán đổi tiền tệ thì mới có thể thanh toán được.

“Thứ 2 là về ngôn ngữ, trước đây ở Ukraina là dùng tiếng Nga, nhưng bây giờ tiếng Nga chỉ còn là của bộ phận thiểu số, mà người ta dùng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của Ukraina. Đây là điểm là DN cần chuẩn bị khi tham gia thị trường này”, ông Tuấn cho biết thêm.

Lắng nghe các DN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi gặp mặt: “Mong các DN mạnh dạn trao đổi hơn nữa với trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài hoặc trao đổi thông qua VCCI và các cơ quan có liên quan để nắm được các thông tin về các đối tác mà các DN hướng đến, cũng như là các đối tác mà DN đã và đang hợp tác.”

Cũng có mặt tại buổi gặp gỡ, ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng tôi cũng như VCCI và Bộ Ngoại giao là làm sao tăng cường kết nối các DN Việt kiều với DN trong nước. Đây sẽ là cầu nối rất tốt để đưa hàng hóa Việt Nam vào các thị trường nước bạn.”

Thế Hưng