Vấn đề kinh tế trong tuần:
“Trùm BOT” lỗ vốn vì thu phí; Thất thoát nghìn tỷ do “bán rẻ” đất đai
(Dân trí) - Một tuần nhiều biến động đã khép lại với hơn 10 tỷ USD bị “thổi bay” khỏi thị trường chứng khoán; thông tin các địa phương “bán rẻ” đất đai, trạm xăng “cúi đầu” của Nhật, “ông trùm” BOT Tasco lỗ vốn vì thu phí… gây chú ý.
Chấn động toàn cầu, chứng khoán Việt Nam “đỏ lửa”
Thị trường chứng khoán ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng thứ Hai (5/2) đã ngập chìm trong sắc đỏ. Chỉ số hai sàn lao dốc thẳng đứng. Toàn thị trường có tới 343 mã giảm giá, 110 mã giảm sàn. Riêng trong hai ngày đầu tuần, vốn hoá toàn thị trường đã bị “thổi bay” gần 300.000 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tiếp tục giảm gần 2% còn 1.003,94 điểm. Như vậy, dù chưa “thủng” ngưỡng 1.000 điểm, song chỉ trong 1 tuần giao dịch, chỉ số sàn HSX đã rớt tới 101,1 điểm, tương ứng mất 9,15%. Sàn Hà Nội cũng ghi nhận mức giảm 5,22% của chỉ số, dừng ở mức 117,5 điểm
Vốn hóa thị trường của cả hai sàn niêm yết tại phiên đóng cửa ngày hôm qua ghi nhận ở mức 2,88 triệu tỷ đồng. Qua một tuần sóng gió, quy mô thị trường đã giảm tới 229.000 tỷ đồng (tương ứng giảm hơn 10 tỷ USD).
Diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán trong nước diễn ra trong bối cảnh chứng khoán châu Á và thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.
“Bán rẻ” đất đai, gây thất thoát ngân sách cả nghìn tỷ
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 – 2016 tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP.HCM, thị xã Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà, TP. Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa và chọn mẫu đối chiếu tại 30 địa phương.
Kiểm toán Nhà nước cho biết việc giao đất thực hiện các dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường.
Đặc biệt, giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cơ quan này cũng kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là 4.337 tỷ đồng.
Việc làm ăn của trạm xăng Nhật “cúi đầu” sau 4 tháng ra mắt
Kể từ khi khai trương của hàng xăng dầu phong cách “chuẩn Nhật” đầu tiên tại khu công nghiệp Thăng Long vào đầu tháng 10/2017, lượng khách hàng của trạm tăng nhanh đáng kể, ngỏ ý muốn mở thêm nhiều trạm xăng trong nội thành Hà Nội hơn,...
Anh Trịnh Văn Chiến, Quản lý Trạm xăng dầu Idemitsu Q8 trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết số lượng khách hàng của trạm xăng này tăng theo mỗi tháng.
“Từ khi khai trương vào 5/10/2017, đến giờ đã được 4 tháng thì lượng khách hàng có tăng và vẫn đang tăng. Kể cả khi thay xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 thì tỷ lệ khách hàng vẫn tăng bình thường”, anh Chiến nói.
Đại diện công ty Idemitsu Q8 cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán này, công ty sẽ mở một trạm xăng “chuẩn Nhật” thứ hai tại Hải Phòng.
Theo đó, trạm xăng dầu có tên Cảng Đình Vũ với quy mô diện tích 10.000m2 có tổng mức đầu tư hơn 1 triệu USDdự kiến được đặt tại Km108 Quốc lộ 5 kéo dài từ Đình Vũ đi Hà Nội, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng.
“Ông trùm” BOT Tasco lỗ vốn vì thu phí
Báo cáo tài chính của Công ty CP Tasco cho thấy, trong quý IV/2017, doanh thu Tasco đạt 766,4 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 73,4 tỷ đồng, giảm hơn 30%.
Trong đó, doanh thu từ hoạt động thu phí đạt 147,5 tỷ đồng, tăng 17%. Tuy nhiên với việc giá vốn tăng mạnh, từ 60 tỷ đồng năm ngoái lên mức 152,4 tỷ đồng trong quý IV/ 2017, hoạt động thu phí không đem lại lợi nhuận mà còn bị lỗ.
Trước đó, mảng thu phí giao thông đường bộ vẫn là nguồn thu khá tốt cho Tasco với doanh thu đạt 141 tỷ đồng trong quý II/2017, tăng tới 35% so với cùng kỳ. Đến quý II, giá vốn cho hoạt động thu phí cũng khá thấp, chỉ 72,6 tỷ đồng.
Xin nhập máy bay về để ... gia công và tái xuất
Doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu một chiếc máy bay trực thăng là công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật trực thăng. Đây là công ty con của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam
Theo đề xuất thì chiếc máy bay trực thăng và thiết bị phụ tùng đồng bộ sẽ được công ty này đưa từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó được chuyển tới một xưởng sửa chữa tại Vũng Tàu.
Sau khi tiến hành tháo rời để bảo dưỡng, sửa chữa hoàn tất, máy bay sẽ được tái xuất trả lại cho khách hàng. Máy bay được chuyển về Việt Nam theo hình thức bay chuyển trường hoặc vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không.
Bích Diệp (tổng hợp)