DNews

Trong cơn sốt giá gạo, các doanh nghiệp lương thực Việt kinh doanh ra sao?

Hà Ngân

(Dân trí) - Xuất khẩu gạo Việt ghi nhận tăng cả về lượng và giá trị, doanh thu doanh nghiệp tăng cao nhưng lợi nhuận vẫn giảm sâu.

Trong cơn sốt giá gạo, các doanh nghiệp lương thực Việt kinh doanh ra sao?

Những ngày qua, lệnh cấm xuất khẩu gạo được nhiều nước như Ấn Độ, Nga, Dubai đưa ra, trong bối cảnh hiện tượng El Nino đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lượng thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực.

Tại Việt Nam, giá gạo liên tục tăng từ nửa cuối tháng 7 đến nay. Gạo nguyên liệu IR 504 tăng khoảng 1.000 đồng/kg lên 11.150-11.250 đồng/kg. Gạo thành phẩm cũng tăng 1.500 đồng/kg lên 12.800-13.000 đồng/kg.

Trước diễn biến này, Bộ Công Thương đã 2 lần phát đi văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất nhập khẩu gạo yêu cầu báo cáo tình hình đơn hàng, lượng tiêu thụ thóc gạo, tồn kho và mức dự trữ lưu thông.

Xét từ đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta đã rất khởi sắc cả về lượng và giá.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tính đến 15/7 đạt 4,48 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, tăng lần lượt 17% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 530 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất 10 năm qua. 3 thị trường xuất khẩu lớn gạo lớn nhất gồm Philippines, Trung Quốc và Indonesia.

Doanh nghiệp gạo: Nghịch lý doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm

Với sự khởi sắc đến từ xuất khẩu cùng giá gạo tăng cao, hầu hết doanh nghiệp lương thực đều báo cáo doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận khá trái chiều do bị chi phối bởi yếu tố lãi suất cho vay tăng, giá thành lúa đầu vào hay giao dịch mua tài sản.

Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) - doanh nghiệp lương thực lớn nhất miền Nam - báo cáo tổng doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 4% lên 6.130 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu nhờ mảng lương thực, lúa, gạo trong khi mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống giảm. Doanh thu lương thực đạt 4.220 tỷ đồng, tăng 830 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận ròng đạt 345 tỷ đồng, gấp 2,5 lần của cùng kỳ năm trước, riêng quý II là 426 tỷ đồng. Song, kết quả này đạt được chủ yếu nhờ ghi nhận lãi trong công ty liên kết đột biến 327 tỷ đồng (hạch toán vào quý II).

Được biết, trong kỳ công ty phát sinh khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân với giá 185 tỷ đồng. Đơn vị ghi nhận phần chênh lệch giữa sở hữu của nhà đầu tư với giá trị sổ sách 337 tỷ đồng vào lợi nhuận liên kết. Lộc Trời cho biết đây chỉ là xác định tạm thời và sẽ có điều chỉnh nếu cần thiết khi hoàn thành đánh giá chính thức giá trị hợp lý của tài sản thuần mua về trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua.

Như vậy, nếu loại trừ phần lợi nhuận bất thường trên thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Lộc Trời rất thấp, chỉ khoảng vài tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Trái với kỳ vọng giới đầu tư, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) gây thất vọng khi báo lỗ 8 tỷ đồng quý II, cùng kỳ năm trước lãi 24 tỷ đồng và quý I vẫn có lãi gần 8 tỷ đồng (giảm sâu so với quý I/2022). Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp gạo lỗ 217 triệu đồng. Nếu xét về doanh thu thì rất khởi sắc, doanh thu quý II tăng 111% lên 1.615 tỷ đồng, nửa đầu năm tăng 47% lên 2.513 tỷ đồng.

Công ty cho biết trong kỳ phải thanh lý, hủy, không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài và chi phí lãi vay tăng cao làm giảm lợi nhuận.

Tương tự, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã chứng khoán: VSF) ghi nhận doanh thu quý II và nửa đầu năm cùng tăng 60% lên 6.867 tỷ đồng và 11.337 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay cùng chi phí bán hàng tăng mạnh, tổng công ty lãi ròng vỏn vẹn 682 triệu đồng quý II và lỗ 6,5 tỷ đồng sau 6 tháng.

Với Angimex (mã chứng khoán: AGM) - doanh nghiệp gạo tại An Giang - tình hình kinh doanh chưa có dấu hiệu phục hồi sau sự cố cựu chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị bắt. Doanh thu quý II giảm 88% và lỗ tiếp 33 tỷ đồng, 6 tháng lỗ 54 tỷ đồng.

Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã chứng khoán: NSC) công bố doanh thu và lợi nhuận cùng giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lý giải giá bán trong kỳ tăng nhưng không tương ứng với chi phí tài chính và giá vốn khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Vinaseed có 2 mảng chính gồm giống cây trồng và xuất khẩu gạo (thị trường chính EU, Nhật Bản), trong đó giống cây trồng là lĩnh vực truyền thống và đóng góp chính vào hiệu quả kinh doanh. Vinaseed bước chân vào ngành gạo được 3 năm, năm 2022 doanh thu 400 tỷ, tỷ trọng khoảng 20% tổng doanh thu.

Biên lợi nhuận ngành gạo mỏng, gánh nặng chi phí lãi vay

Biên lợi nhuận ngành gạo vốn mỏng, nhiều công ty gạo có thể xuất khẩu cả trăm nghìn tấn nhưng lãi chỉ 50-100 đồng/kg. Đơn cử như Lộc Trời chỉ đạt biên lợi nhuận 2,9%, Gạo Trung An khoảng 4-5%. Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng cao cấp nhắm vào thị trường khó tính như EU và Nhật Bản như Vinaseed cũng chỉ đạt 7-10%.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed, cho biết biên lợi nhuận của ngành gạo không cao so với mảng giống của công ty. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phát triển mảng gạo để mở rộng hệ sinh thái, xây dựng chuỗi giá trị gạo khép kín và xây dựng thương hiệu.

Hay ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc của Lộc Trời, cho biết mục tiêu chính của công ty là thu mua hết lượng lúa của bà con nông dân trong vùng nguyên liệu của công ty và bà con nông dân đang sử dụng giống và vật tư do công ty cung cấp.

Chính vì đặc điểm biên lợi nhuận mỏng như vậy mà chỉ cần một yếu tố chi phí nào đó tăng mạnh sẽ kéo lãi ròng giảm sâu. Trong nửa đầu năm, đa phần doanh nghiệp gạo đều chịu ảnh hưởng lớn trong môi trường lãi suất tăng cao, chi phí lãi vay nhảy vọt.

Lộc Trời ghi nhận chi phí lãi vay nửa đầu năm gấp 3 lần từ 92 tỷ đồng lên 274 tỷ đồng, Gạo Trung An tăng mạnh từ 38 tỷ lên 64 tỷ đồng, Angimex cũng gấp đôi lên 56 tỷ đồng.

Ngoài ra, lợi nhuận doanh nghiệp gạo còn phù thuộc vào giá thành lúa, gạo mua vào. Song, trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp cũng phải đánh đổi giữa chi phí lãi vay và lợi ích của đầu tư tích trữ lúa, gạo giá thấp.

Tại thời điểm 30/6, giá trị hàng tồn kho của Gạo Trung An đạt 679 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm dù giá tăng, đây là mức rất thấp trong nhiều quý (thường trên 1.000 tỷ đồng). Doanh nghiệp duy trì khoản nợ vay gần 1.400 tỷ đồng, tương đương đầu năm.

Ngược lại, Vinafood 2 tăng mạnh giá trị hàng tồn kho gấp 2,5 lần lên 3.000 tỷ đồng và nợ vay cũng tăng 66% lên 4.257 tỷ đồng.