Trịnh Thanh Huy đại gia nhóm Đông Âu kín tiếng

Cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam, ông Trịnh Thanh Huy lại không gặp may trong con đường kinh doanh của mình.

Loạt công ty thua lỗ

Sau khi về nước, ông Trịnh Thanh Huy đã tham gia thâu tóm một số công ty trên sàn như Bê tông 620 Châu Thới (BT6), Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC). Ngoài ra, ông Huy cùng với nhóm Kusto đã tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian dài im ắng kể từ sau khi xuất hiện với vai trò là lãnh đạo của HB Group với dự án tỷ đô New Hội An City, ông Huy bất ngờ lại được nhắc đến nhiều trước việc Tòa án nhân dân Tp.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.

Giống như Descon, một công ty khác được ông Trịnh Thanh Huy và bên liên quan mua lại cũng đang ở trong tình cảnh rất bết bát là là Beton 6, trước đây là CTCP Bê tông 620 Châu Thới.

Ông Trịnh Thanh Huy tham gia bắt đầu tham gia vào Hội đồng quản trị của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Giai đoạn 2009-2010 cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của Beton 6 với lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng và sau đó bắt đầu giảm mạnh.

Beton 6 được ra đời vào năm 1958 là doanh nghiệp Nhà nước lâu đời nhất tại Bình Dương đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong báo cáo tài chính vừa được công bố, Beton 6 (BT6) khép lại năm 2018 với khoản lỗ đột biến gần 323 tỷ đồng sau khi đã lỗ 139 tỷ đồng trong năm trước. Doanh thu sụt giảm 3/4 so với năm 2017, xuống còn 134 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, do tình hình công ty rơi vào nợ nần khiến người lao động lần lượt xin nghỉ việc.

Cú đột phá của ông Nguyễn Đăng Quang

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang lại đang khá thành công. Theo Forbes, tính tới cuối phiên giao dịch 14/5, tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1,1 tỷ USD nhờ cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.

Trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu MSN tăng 3,2% lên 63.900 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu MSN đã tăng khoảng 60% từ mức 40 ngàn đồng/cp lên mức hiện tại.

 
Trịnh Thanh Huy đại gia nhóm Đông Âu kín tiếng - 1

Tài sản tăng chóng mặt, ông Nguyễn Đăng Quang lấy lại danh hiệu tỷ phú USD

Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của doanh nghiệp này ghi nhận những kết quả tốt bất chấp đại dịch, trong khi đó mảng bán lẻ (vừa nhận chuyển nhượng từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt những kết quả ban đầu khá tốt.

Theo báo cáo vừa công bố, trong quý 1, doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó.

Masan cũng vừa công bố thông tin bán thành công 30 triệu trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10% cho năm đầu thu về 3 ngàn tỷ đồng.

Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Masan có vốn hóa thị trường đạt gần 74,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).

Lên núi ở ẩn vẫn đút túi tiền tỷ

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố ước KQKD tháng 4/2020 với doanh thu 2.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ. Lũy kế 7 tháng đầu niên độ 2019-2020, doanh thu HSG đạt 14.597 tỷ, thực hiện được 52% kế hoạch cả niên độ (28.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu cả niên độ.

Trên sàn, tình hình kinh doanh cải thiện đang mang lại tín hiệu giao dịch tích cực cho HSG. Tính từ tháng 4/2020, mã HSG đã tăng gấp đôi thị giá lên 8.440 tỷ đồng/cp. Phiên 15/3, HSG đang kịch trần với lượng giao dịch đột biến, ~14 triệu cổ phiếu/phiên.

Dường như kết quả hoạt động của Hoa Sen vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp việc ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn từng cho biết, bên cạnh những khó khăn của nền kinh tế và của ngành thì trên thực tế, ông Vũ không thường xuyên đến văn phòng trong suốt hơn 3 năm vừa qua. Ông từng tuyên bố lên núi sống tĩnh tâm.

Đại gia kín tiếng gom khoản lớn ngàn tỷ

HĐQT Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) vừa công bố nghị quyết về việc thoái vốn khỏi mảng logistics thông qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp của Gelex tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics. Dự kiến, việc thoái vốn sẽ được thực hiện trong khoảng quý 2-3/2020.

Theo báo cáo tài chính, Gelex nắm 100% cổ phần tại Gelex Logistics, giá trị khoản đầu tư gốc lên đến 1,2 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2019, mảng vận tải và kinh doanh kho bãi của Gelex ghi nhận doanh thu trên 1,6 ngàn tỷ đồng.

 
Trịnh Thanh Huy đại gia nhóm Đông Âu kín tiếng - 2

Liên tục sắm “máy in tiền”, đại gia kín tiếng “Tuấn mượt” bất ngờ thoái lui lĩnh vực ngàn tỷ

Khoảng 5 năm gần đây, Gelex liên tục tấn công vào các lĩnh vực tiềm năng, như thâu tóm các doanh nghiệp cáp điện hàng đầu (Cadivi, Thibidi, HEM), các khách sạn danh tiếng (Melia Hà Nội), mua doanh nghiệp nước sạch (Nước Sông Đà Viwasupco), logistics (Sotrans 100%, Vietransimex 84%), và gần đây là bất động sản công nghiệp (mua Viglacera) để đón đầu làn sóng FDI khi Mỹ - Trung căng thẳng.

Chỉ trong thời gian ngắn, đại gia “Tuấn Mượt” đã có nhiều thương vụ ngàn tỷ chấn động. Đây đều là các thương mua các “máy in tiền”, mua dòng tiền chứ không phải chỉ là mua tài sản.. Các nhóm này cần nhiều đầu tư ban đầu lớn nhưng sau sẽ sinh lời đều đặn.

Từ đó Gelex sẽ tích lũy để đầu tư vào các lĩnh vực khác có triển vọng và khả năng sinh lời dài hạn. Mảng thiết bị điện có dòng tiền dồi dào, mang về cho Gelex khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Thaco muốn tăng sở hữu tại HAGL Agrico

Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa đăng ký mua gần 26 triệu cổ phiếu Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG). Nếu giao dịch thành công, Thaco sẽ nâng sở hữu từ mức 26,29% lên 28,62% vốn, tương ứng nắm giữ hơn 317 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 19/5 - 17/6/2020 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, mục đích đầu tư tài chính.

Trên thị trường, cổ phiếu HNG đang tăng tương đối tốt hiện đang ở mức giá gần 14.000 đồng/cp. Mới đây, tại kỳ cơ cấu lại danh mục quý 2/2020, với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Smallcap Indexes, cổ phiếu HNG là 1 trong 2 mã tại thị trường Việt Nam được thêm mới.

Trở lại với giao dịch từ Thaco, nếu tạm tính theo thị giá 14.000 đồng, Thaco sẽ phải chi 360 tỷ đồng cho thương vụ trên.

Tại thời điểm 31/3, HNG đang vay gần 5.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn. Bên cạnh đó HNG cũng vay hơn 4.300 tỷ đồng từ HAGL và THACO – 2 cổ đông chính của công ty.

Theo: Bảo Anh

Vietnamnet