1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Triều Tiên không thiếu BMW, Mercedes và hàng xa xỉ phẩm

(Dân trí) - Xe hơi hạng sang không thiếu trên các con đường Bình Nhưỡng. Rượu, nước hoa, mỹ phẩm và những sản phẩm trong thời đại kỹ thuật số như tivi màn hình phẳng, tủ lạnh, máy giặt, đầu karaoke… đều phổ biến ở Triều Tiên.

Ở một đất nước dường như không có mối liên hệ nào với bên ngoài và kín mít thông tin trong suốt những năm qua, nhiều người cho rằng, đó có thể sẽ là miền đất nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới.

Thế nhưng, người dân Triều Tiên không khó khăn để mang về nhà những chiếc máy ảnh đời mới nhất, tivi màn hình phẳng và các mặt hàng khác xuất xứ từ Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Tất nhiên, ở đây chúng ta đang đề cập đến những tầng lớp “ưu tú” ở Triều Tiên - không có gì ngăn cản được họ tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp, tiện nghi trên đất nước mình.

Cửa ngõ đại sứ quán

Theo phản ánh của Reuters thì các cửa hàng cạnh đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh chính là đầu mối cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trong nước. Họ bán bất cứ thứ gì từ điện tử cho đến nước hoa. Và thông qua “cổng thương mại” này, người Triều Tiên có thể sở hữu những vật dụng hiện đại khác như máy giặt hay tủ lạnh.

Về cơ bản, các lệnh trừng phạt mới không chú trọng ngăn cấm việc nhập khẩu vào Triều Tiên các mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, với mức độ mua sắm tấp nập tại Bắc Kinh đã cho thấy phần nào các lệnh trừng phạt gần như không ảnh hưởng tới nhu cầu của tầng lớp ưu tú Triều Tiên đối với các mặt hàng sang trọng.

Triều Tiên không thiếu BMW, Mercedes và hàng xa xỉ phẩm
Một người đàn ông Triều Tiên đang sử dụng điện thoại di động tại khu vực gần ĐSQ Triều Tiên ở Bắc Kinh ngày 18/03/2013.

Chị Cao, một chủ tiệm phía sau đại sứ quán Triều Tiên cho biết, “các khách hàng có thể chọn những thiết bị nhà bếp kích cỡ lớn tại đây, hoặc chúng tôi có thể chuyển phát chúng tận nơi về Triều Tiên cho họ. Không có vấn đề gì cả!”.

Các lệnh trừng phạt mới được đưa ra vào đầu tháng này (7/3) nhằm đáp lại vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 12/2 của Triều Tiên. Nội dung trừng phạt siết chặt hơn những hạn chế về tài chính trong nỗ lực kiềm chế các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo đó, những loại mặt hàng cao cấp như du thuyền, ô tô thể thao, ô tô hạng sang cùng một số loại trang sức, đá quý… bị xếp vào nhóm cấm nhập khẩu vào Triều Tiên. Hàng hóa xa xỉ không bị giới hạn trong những hạng mục trên.

Các lệnh trừng phạt với Triều Tiên đã áp dụng từ 2006 nhưng chưa bao giờ đưa ra quy định cụ thể nào về các hàng hóa đó, mà để cho các nước tự quyết định dựa theo thành phần cấu thành một sản phẩm có tính chất sang trọng.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, lại không đưa ra định nghĩa rõ ràng về hàng hóa xa xỉ. Thế nên, nhiều vật dụng đắt tiền phổ biến với tầng lớp ưu tú của Triều Tiên vẫn không bị đưa vào danh sách cấm.

George Lopez, một giáo sư người Mỹ và trước đây từng là cán bộ của LHQ tại Triều Tiên nhận xét, “rất khó để thực hiện trừng phạt khi không có một thỏa thuận chung nào về các sản phẩm mà anh muốn hạn chế”.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao của Hội đồng bảo an LHQ đã nói trước việc ban bố các biện pháp trừng phạt mới rằng, họ nhắm tới tầng lớp ưu tú của Triều Tiên – nhóm người vẫn sống một cuộc sống khá xa hoa trong khi phần lớn những người dân trên đất nước họ đang nghèo khổ.

Trở lại khu đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh, chị chủ tiệm họ Cao cho biết, công việc kinh doanh của chị không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Tại một cửa hàng khác, người ta thấy một người đàn ông Triều Tiên trung tuổi đang xem lại khoản tiền thanh toán sau khi mua 1 máy ảnh kỹ thuật số Cyber-shot của hãng Sony.

Dãy cửa hàng phục vụ chủ yếu khách hàng Triều Tiên tràn ngập những đầu DVD, máy hát karaoke mang thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các loại kem dưỡng, nước hoa.

Dãy cửa hàng chủ yếu dành cho khách Triều Tiên ở Bắc Kinh.

Dãy cửa hàng chủ yếu dành cho khách Triều Tiên ở Bắc Kinh.

Vấn đề nằm ở chỗ, theo phản ánh của các chuyên gia LHQ tại Triều Tiên thông qua việc giám sát thực thi lệnh trừng phạt, những mặt hàng được coi là “xa xỉ” tại nhiều quốc gia khác đôi khi lại không được coi là xa xỉ ở Trung Quốc, một đồng minh lâu năm và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, vào năm ngoái, nước này đã xuất khẩu sang Triều Tiên 77,5 triệu USD các loại ngọc trai, đá quý, kim loại quý và tiền kim loại. Ngoài ra, trong năm 2012, Trung Quốc cũng đã xuất 266,9 triệu USD thiết bị âm thanh và tivi sang Triều Tiên, gấp 3 lần kim ngạch năm 2007.

Những chuyến hàng xách tay

Vào một ngày thứ Bảy gần đây tại sân bay Bắc Kinh, những người Triều Tiên xếp hàng lên chuyến bay của hãng Air Koryo mang theo xe đẩy chất đầy tủ lạnh, máy giặt và tivi cỡ lớn đời mới.

Andray Abrahamian, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Choson Exchange và là một người thường xuyên đi lại giữa Bắc Kinh – Bình Nhưỡng cho biết, khi người du lịch Triều Tiên lên máy bay, họ luôn mang theo rất nhiều hàng tiêu dùng, và thường thấy nhất là số lượng lớn các tivi màn hình phẳng.

Những du khách đến Bình Nhưỡng cho biết, các loại hàng hóa đắt tiền dễ dàng được đưa vào nước này.

Stewart Lone, một giáo sư lịch sử người Australia từng đến thủ đô Triều Tiên dạy học tiếng Anh sinh viên ở đây nói, “Dĩ nhiên là có rất nhiều BMW và Mercedes trên các con đường Bình Nhưỡng”. Và sự sang trọng, xa hoa thường thấy nhất theo lời vị giáo sư này là rượu, mà nhất là Chivas Regal.

Dãy cửa hàng chủ yếu dành cho khách Triều Tiên ở Bắc Kinh.
Một người đàn ông đang bước vào 1 cửa tiệm đề tiếng Hàn bên ngoài nằm cạnh ĐSQ Triều Tiền ở Bắc Kinh.

Để thấy mức độ tiêu tiền của tầng lớp ưu tú Triều Tiên ở nước ngoài có thể nhìn vào cán cân thanh toán nước này.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho hay, nhờ gia tăng thương mại với Trung Quốc, Triều Tiên đã có thặng dư vãng lai trong năm 2011 sau một thời gian được cho là thâm hụt trước đó. Và theo tính toán sơ bộ, nước này cũng có thể đã thặng dư trong năm vừa rồi dựa vào xuất khẩu vốn.

Cụ thể, tiền đã chảy ra ngoài nước để việc nhập về hàng hóa cung ứng cho tầng lớp ưu tú của nước này.

Tính hiệu lực của các “bản án” trừng phạt

Trong khi đó, những người kinh doanh hàng hóa và các nguồn vận chuyển cho biết, khó thấy được những tác động mà các lệnh trừng phạt mới được ban hành đối với thương mại.

Theo các thương gia kinh doanh mặt hàng dầu, Bộ thương mại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp nội bộ để xác định về mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới đối với viện trợ dầu của Trung Quốc cho Triều Tiên.

Hoạt động kinh doanh, vận chuyển dầu được cho biết là sẽ không dừng lại, mặc dù có thể sẽ có một số hạn chế nhất định. Song, vẫn chưa rõ về những động thái tiếp theo của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trung Quốc đã cung ứng hơn nửa triệu tấn dầu thô hàng năm cho Triều Tiên dưới hình thức viện trợ.

Còn tại mặt hàng quặng sắt và than cốc, các thương nhân Trung Quốc lại cho thấy sự do dự với các đơn đặt hàng từ Triều Tiên do không chắc chắn về các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, một công ty vận chuyển lại cho hay, đơn vị Dalian của hãng này chuyển hàng từ Triều Tiên đã sụt giảm 40% công suất trong vài tuần trở lại đây, các chuyến giao hàng cũng trở nên thưa thớt.

Tuy nhiên, một nhà máy thép của Trung Quốc chuyên thu mua quặng sắt từ Triều Tiên lại nói, các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng tới họ.

Bích Diệp
Theo Reuters