Triển vọng với ngành điều: “Điểm sáng” vẫn nằm ở nửa cuối năm
(Dân trí) - Dự báo trong những tháng cuối năm 2018, ngành điều sẽ có nhiều yếu tố diễn biến thuận lợi hơn, đặc biệt với những doanh nghiệp có nền tảng chính tốt và có những bước đi đầy thận trọng, khôn ngoan.
Doanh nghiệp điều lâm cảnh khó khăn
Bản tin thị trường nông lâm thuỷ sản do Bộ Công Thương vừa công bố tuần qua cho thấy, giá hạt điều xuất khẩu liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay, đồng thời nguồn cung thiếu hụt đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước phải tạm dừng hoạt động.
Trên thực tế, doanh nghiệp ngành điều hiện đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê sơ bộ của Vinacas, hiện nay 60-70% các nhà máy nhỏ đã ngưng sản xuất do tình trạng thua lỗ kể từ tháng 9/2017.
Ngay như tại thủ phủ của ngành điều là tỉnh Bình Phước có khoảng 80% cơ sở chế biến nhỏ phải tạm thời đóng cửa. Còn tại Long An, nếu như trước đây có 33 nhà máy sản xuất điều thì đến thời điểm hiện tại chỉ còn 12 nhà máy đang hoạt động. Thậm chí, một số nhà máy lớn trong top 10-20 của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đóng cửa, ngưng hoạt động, cá biệt có những nhà máy bị ngân hàng tiến hành thu nợ gắt gao.
Giới chuyên gia am hiểu thị trường điều cho rằng, ngoài nguyên nhân từ cung – cầu thị trường, công suất chế biến điều được nâng lên quá nhanh, tăng cao đột biến trong mấy năm qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như hiện tại. Với hơn 1000 nhà máy điều lớn nhỏ cùng hoạt động dẫn đến tình trạng cạnh tranh lộn xộn, khó kiểm soát chất lượng, đặc biệt là dư thừa công suất khi nhu cầu từ thị trường có biến động theo chiều chững lại.
Trong khi đó, ngân hàng giảm cho vay và siết các điều kiện cho vay cũng như tăng lãi suất đối với ngành điều từ quý I/2018 cũng đẩy các doanh nghiệp trong ngành thêm khó khăn vì thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy khi vay USD nhưng chưa xuất bán nên không thể thực hiện đúng cam kết với ngân hàng và dẫn tới bị hạn chế cho vay hoặc bị điều chỉnh tăng lãi suất.
Thiếu vốn cũng khiến ngành điều xảy ra tình trạng các nhà máy, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vốn chiếm phần lớn trong số lượng cơ sở sản xuất nguyên liệu điều, đua nhau hạ giá bán nhân điều xuống nhằm bán được hàng để có vốn quay vòng sản xuất. Đây là nguyênnhân khiến cho giá nhân điều xuất khẩu của Việt Nam bị giảm mạnh trong mấy tháng qua, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn tương đối ổn định so với năm ngoái, và gần như không có chuyện ép giá từ các nhà nhập khẩu.
Vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan
Mặc dù tình cảnh hiện tại của nhiều doanh nghiệp ngành điều không mấy khả quan, nhưng dự báo trong những tháng cuối năm 2018, thị trường xuất khẩu điều nhân Việt Nam sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn.
Thực tế, 2 quý đầu năm chưa phải thời điểm mua vào mới của các nhà nhập khẩu Châu Âu, Châu Mỹ. Theo yếu tố chu kỳ, các nhà nhập khẩu thường đẩy mạnh mua nhân điều phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Cũng phải nói thêm rằng, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ngành điều đã xuất khẩu được 175.078 tấn nhân điều, đạt giá trị 1,698 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều xuất khẩu tăng 16,1% và giá trị tăng 15,8%. Như vậy có thể thấy, đầu ra xuất khẩu của hạt điều vẫn đang rất thuận lợi trong những tháng đầu năm nay.
Giới kinh doanh điều dự báo trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu nhân điều vẫn tốt, khi mà nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng trên toàn cầu và giá hạt điều đang khá cạnh tranh so với các loại hạt, quả khô khác.
Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là có thể có những tác động tương đối thuận lợi tới ngành điều khi cả 2 nước này đều là 2 thị trường lớn của Việt Nam.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, PCT Hiệp hội Điều Việt Nam, trong nhóm hạt vỏ cứng, Mỹ xuất khẩu chủ yếu các loại hạt như hạnh nhân, óc chó… Nhóm hạt vỏ cứng có đặc điểm là có thể thay thế cho nhau nên nếu các loại hạt khác của Mỹ nếu khó vào Trung Quốc, hay vào được nhưng giá bán cao do bị áp thuế, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ có thể tăng mua hạt điều để thay thế.
Đặt trường hợp hạt hạnh nhân, óc chó… của Mỹ do khó cạnh tranh được trên thị trường Trung Quốc, buộc phải tăng tiêu thụ trên thị trường nội địa, thì nhiều khả năng việc tiêu thụ hạt điều trên thị trường Mỹ cũng như nhập khẩu hạt điều vào Mỹ vẫn diễn ra bình thường trong thời gian tới.
Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực “vượt khó”
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, một số doanh nghiệp đã có bước đi khá thận trọng như trường hợp CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco). Cụ thể, doanh nghiệp đã thực hiện mua nguyên liệu rất thấp so với kế hoạch cả năm (khoảng 30%), chỉ đủ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho nhà máy, tạo công ăn việc làm, giữ người lao động. Vào quý 3, quý 4, khi lực mua quay lại theo mùa vụ kinh doanh, công ty hoàn toàn có thể kỳ vọng giá sẽ phục hồi và các chỉ số quay lại mức bình thường.
Về dài hạn, ngành điều vẫn có tiềm năng phát triển mạnh
Ngoài ra, trong quý 3 và 4, Lafooco còn tiếp tục bán ra các mặt hàng GTGT và hàng Organic, đó sẽ là những cơ sở để hạn chế những tiêu cực do việc giảm giá mạnh vừa qua.Trong đó, mặt hàng GTGT của Lafooco năm 2018 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 50 – 60% so với 2017 và không bị giảm giá bán theo giá nguyên liệu. Mặt hàng organic (cho vụ mùa đầu tiên) đang nhiều khách hỏi hỏi mua và dự kiến sẽ bán với giá tốt. Cả hai hoạt động này sẽ vẫn có hiệu quả, thậm chí hiệu quả hơn mức bình thường hàng năm khi gia đầu vào nguyên liệu điều chỉnh giảm vừa qua.
Bên cạnh đó, các hoạt đông kinh doanh tại Lafooco vẫn đang diễn ra bình thường, theo nhịp điều chỉnh của thị trường. Đặc biệt phân xưởng GTGT của công ty vẫn hoạt động hết và tăng thêm công suất, dự kiến chạy tăng ca vào 2 quý cuối năm. Công nhân khu vực phân xưởng sản xuất vẫn được thu xếp có đủ việc làm do doanh nghiệp này luôn đặt mục tiêu ổn định và ưu tiên tạo công việc cho những người lao động đã đồng hành từ trước tới nay.
Hà Anh