Triển vọng fastfood ở VN
Một điểm dễ nhận ra là các hàng quán phục vụ ăn uống ở Việt Nam rất nhiều, nhưng khu vực thức ăn nhanh (fast food) lại chưa thật phổ biến.
Nhà hàng, với các món ăn chủ yếu kiểu truyền thống Việt Nam, vẫn chiếm ưu thế trong ngành dịch vụ ăn uống. Ước tính, doanh thu của các nhà hàng chiếm tới 85% của tổng số giao dịch trong giai đoạn từ 1999 đến 2004. Các cửa hàng fast food phần lớn chỉ tìm thấy ở TP. HCM, và chỉ có một, hai nhãn hiệu quốc tế như Lotteria và KFC là đã vào Việt Nam.
Hiện tại
Fast food vẫn là một hình thức khá mới mẻ tại Việt Nam, và người dân có cái nhìn và gu thưởng thức khác so với khách hàng ở nhiều nước khác. Một ví dụ là việc mua burger hay món gà để rồi mang đi nơi khác thưởng thức là điều hiếm thấy. Phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn thích mua và hoàn tất bữa ăn ngay tại nhà hàng.
Trên thị trường, phần lớn các nhà hàng Việt Nam đều đứng độc lập, do mỗi gia đình làm chủ và các khái niệm về các "chuỗi nhà hàng" còn khá mới mẻ. Người dân vẫn ưa chuộng món ăn dân tộc, và những món như phở dễ dàng "ăn đứt" lời mời gọi của Cheese Burger Combo.
Theo ước tính của công ty khảo sát thị trường Euromonitor, doanh thu của khu vực fast food ở Việt Nam còn khiêm tốn, từ chỗ 12,5 tỉ đồng năm 1999 tăng lên 19,6 tỉ năm 2002 và giảm còn 13,5 tỉ đồng năm 2004.
Dự báo
Một khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, dự đoán sẽ có thêm đầu tư nước ngoài trong các ngành kinh doanh khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đó sẽ có thể muốn làm đối tác hoặc đầu tư vào các đối tượng trong nước.
Với phần lớn dân số dưới 25 tuổi, Việt Nam cũng là thị trường hấp dẫn cho ngành kinh doanh ăn uống và giải trí. Thế hệ trẻ này được xem là dễ dàng chấp nhận những gu và sản phẩm nước ngoài hơn. Các nhãn hiệu quốc tế như McDonald's, Haagen Dazs, Burger King...sẽ quan tâm và xem giới trẻ là đối tượng khách hàng chính của họ.
Nhưng trong tương lai gần, những ai kinh doanh đồ ăn Việt Nam vẫn còn ít lý do phải lo ngại vì xu hướng ăn uống của người Việt sẽ khó thay đổi một sớm một chiều.
Theo dự đoán của Euromonitor, doanh thu của ngành kinh doanh fast food ở Việt Nam sẽ tăng, nhưng chậm, từ 16 tỉ đồng năm 2007 lên đến khoảng 20.1 tỉ năm 2009.
Theo VnMedia