Trên bàn cờ Sacombank: Lợi ích đi về phía ai?

(Dân trí) - “Cái hậu” của việc thâu tóm hoặc tái cơ cấu có lợi cho khách hàng và thị trường không thì hãy còn phải chờ. Bởi nếu thay thế thành viên trong Hội đồng quản trị, những quyết định của ban lãnh đạo mới đưa ra như thế nào hãy còn chưa rõ.

Trên bàn cờ Sacombank: Lợi ích đi về phía ai? - 1
Việc “thay ngôi đổi chủ” (nếu có) tại Sacombank có lợi cho thị trường và khách hàng hay không còn phải chờ.
 
Hôm qua, việc Ngân hàng XNK Việt Nam (Eximbank) chính thức đề nghị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bầu lại toàn bộ Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đã gây một chấn động lớn trên thị trường tài chính trong nước.
 
Tuy nhiên, với đa số những người quan tâm đến Sacombank trong 1 năm trở lại đây, thì sự kiện này chỉ là bước tiếp sau những vấn đề đã nảy sinh dồn dập và liên tiếp trước đó. Quá nhiều những phỏng đoán về một cuộc “thay ngôi đổi chủ” đã được đưa ra, dù người trong cuộc lên tiếng phủ nhận hay chọn cách tuyên bố nước đôi.
 
Những nước cờ mạo hiểm
 
Không phải dễ dàng hay ngẫu nhiên mà một tổ chức kinh doanh, nhất là khi tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, lại “vạ” vào những tin đồn thôn tính.
 
Với một năm mà “vận đen” neo vào hai “con bài” chứng khoán - bất động sản càng ngày càng sâu thì thông tin Sacombank đổ lượng vốn khổng lồ vào những lĩnh vực này không khỏi khiến nhà đầu tư lo ngại.
 
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2011, Sacombank đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng vào chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu), chiếm 17,3% tổng tài sản. So cùng kỳ năm trước đó, giá trị đầu tư chứng khoán tăng trên 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư chứng khoán/tổng tài sản cũng cao hơn mức 14,8% của cùng kỳ năm 2010.
 

Trong văn bản giải trình báo cáo tài chính riêng quý IV/2011 mới đây, các khoản mục như thu nhập từ chứng khoán giảm 231 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận sau thuế đạt trong quý này đạt 146 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2010 nhưng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 170 tỷ đồng.

 
Trong khi đó, ở mảng bất động sản, việc làm ăn của Sacombank cũng không mấy khả quan hơn khi lãi cả năm công ty mẹ Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) chỉ đạt mức 80,2 tỷ đồng, giảm gần 84% so năm trước. Nếu tính riêng quý IV, công ty mẹ Sacomreal lỗ ròng trước thuế gần 37 tỷ đồng, lỗ ròng sau thuế lên gần 40 tỷ đồng.
 
Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến quyết định của Eximbank yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Dưới tư cách cổ đông lớn (sở hữu 9,73% vốn điều lệ của Sacombank) và được ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), văn bản của Eximbank nêu rõ: “tình hình hoạt động của Sacombank năm 2011, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác có cùng quy mô thì theo quan điểm của chúng tôi là hiệu quả chưa tương xứng”.
 
Cụ thể, lấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) làm chuẩn so sánh, với tổng tài sản tương đương với ngân hàng Á Châu (ACB), nhưng ROE của Sacombank luôn thấp hơn. Năm 2009 thấp hơn 5,98 điểm %; năm 2010 thấp hơn 3,75 điểm %; năm 2011 thấp hơn 6 điểm %.
 
Ngoài ra, văn bản này cũng chỉ ra, trong thời gian qua, Sacombank đã thực hiện một số các hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông Sacombank, cụ thể như quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ, thoái vốn tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS)…
 
Moody's trong bản đánh giá của mình cũng nhận xét rằng, quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ gần đây gần đây của Sacombank là tiêu cực, làm giảm khả năng đương đầu với thua lỗ và tác động xấu tới khả năng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
 
Dù xếp triển vọng Sacombank ở mức ổn định thì Moody’s cũng bày tỏ lo ngại, Sacombank có thể không duy trì được các số liệu tài chính tốt trong trung hạn do thiếu đa dạng hóa danh mục đầu tư và môi trường hoạt động nhiều thách thức. Thậm chí, triển vọng tín dụng có thể thay đổi xuống tiêu cực nếu như xảy ra những tổn hại lớn trong giá trị thương hiệu, việc quản lý yếu kém trong chiến lược tăng trưởng và những thiệt hại phát sinh từ các khoản cho nợ khó đòi.
 
Không những vậy, tổ chức này còn nghi ngại, nợ xấu thật sự theo tiêu chuẩn quốc tế là “khó ước tính” kể cả khi nợ xấu của Sacombank thấp hơn so với các ngân hàng khác tại Việt Nam.
 
Có lợi cho ai?
 
Chỉ chưa đầy 1 năm, 3 cổ đông chiến lược của Sacombank là Dragon Capital, CTCP Cơ điện lạnh (REE) và ANZ đã thoái toàn bộ vốn tại Sacombank (tổng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông chiến lược này chiếm 20,3%).
 
Trước thềm đại hội đồng cổ đông năm nay, sóng gió lại tới với áp lực từ Eximbank khi ngân hàng này yêu cầu thay đổi Hội đồng quản trị - vừa “cầm cương” lãnh đạo Sacombank năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
 
Và trước những tin đồn có nguy cơ bị thâu tóm, từ giữa năm 2011, Sacombank đã liên tục gom cổ phiếu STB của mình.
 

Hiện tại, danh sách cổ đông của Sacombank vẫn chưa chốt, tỷ lệ sở hữu nắm giữ của các cổ đông vẫn chưa công khai, nên rất khó để nói ván cờ đã ngã ngũ (Tính đến 21/2 này, Sacombank vẫn chưa chốt danh sách cổ đông gửi về Trung tâm Lưu ký chứng khoán). Trong bản đề nghị của mình gửi Sacombank hôm qua, Eximbank cho biết họ đại diện 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

 
Thông tin này vẫn chỉ là một chiều từ phía Eximbank. Tuy nhiên, kể cả khi thông tin này là thật thì theo luật, cổ đông/nhóm cổ đông nắm trên 65% mới có thể nắm phần thắng trong việc thông qua đa số các quyết định. Và chỉ khi, Eximbank đại diện cho 75% thì họ mới nắm phần thắng tuyệt đối trong tay.
 
Có thể Eximbank sẽ gom cổ phiếu ủy quyền hoặc mua cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu. Trong cả hai trường hợp, nếu Eximbank đạt được mục đích lập lại trật tự ban lãnh đạo Sacombank - vốn chưa từng có tiền tệ, thì thị trường cũng chỉ quan tâm HĐQT mới sẽ dẫn dắt Sacombank đi tiếp như thế nào.
 

Trước “ván cờ” này, một vị chuyên gia về ngân hàng nhận định, việc Sacombank bị thâu tóm hay có nhân tố ngoài tham gia tái cơ cấu là có thể. Nhưng “cái hậu” đó (nếu có) có lợi cho khách hàng và thị trường không thì hãy còn phải chờ. Bởi, khi thay thế thành viên trong Hội đồng quản trị, những quyết định của ban lãnh đạo mới đưa ra như thế nào hãy còn chưa rõ.

 


Bích Diệp