Sacombank phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm?

Việc người nhà của ông Đặng Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, đăng ký bán thoả thuận tổng cộng hơn 15 triệu cổ phiếu hồi tuần trước, vẫn chưa ngớt gây xôn xao dư luận. Giới đầu tư thạo tin cho rằng, đây là động tác phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm (M&A).

Đầu tháng 4 năm ngoái khi giá cổ phiếu ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) rớt xuống 22.000 đồng, một nhóm các nhà đầu tư trong giới tài chính bắt đầu mua chứng khoán này. Lúc bấy giờ thật khó đoán định việc mua vào của họ lại trường kỳ đến thế. Cho đến hiện tại, sau 15 tháng, việc bỏ vốn vào Sacombank của nhóm vẫn đang tiếp tục. Giá càng xuống, họ càng mua mạnh.
 
Kế hoạch mua gom lộ diện

Động thái mua bền bỉ lộ diện sau khi STB giảm xuống mức đáy (11.600 đồng/cổ phiếu) của 52 tuần. Cả tháng sau đó trên sàn TP.HCM, giá Sacombank gần như giẫm chân tại chỗ quanh mốc 12.000 đồng/cổ phiếu. Khá nhiều ngày, những lệnh bán lớn khoảng 500.000 - 1 triệu cổ phiếu bất chợt được đưa vào ở mức giá trên và chỉ vài phút sau lại được huỷ.

Mọi suy diễn đều là phỏng đoán, nhưng những lệnh bán lớn như vậy dễ tác động tâm lý nhà đầu tư và không loại trừ hiệu ứng khiến người đang nắm giữ cổ phiếu có ý định bán, có thể thực hiện hành vi bán ở mức giá thấp hơn giá đang chờ bán của cả triệu cổ phiếu kia.

Kế tiếp từ đầu tháng 7/2011, những giao dịch thoả thuận STB lô lớn 4 - 4,5 triệu cổ phiếu/ngày được tiến hành. Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi khẳng định nhóm nhà đầu tư trường kỳ kể trên có khả năng đã có trong tay tỷ lệ khoảng 17 - 18% cổ phiếu Sacombank.

Không phải không lôgíc khi việc sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của một doanh nghiệp thường được liên hệ với chủ đích thâu tóm, sáp nhập, đặc biệt trong bối cảnh giá chứng khoán đang ở mức rất thấp và giá cổ phiếu ngân hàng đang ở dưới giá trị thực. Giá trị sổ sách của Sacombank hiện là 16.100 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn 13.500 đồng/cổ phiếu (giá ngày 14/7/2011).

Sẽ chẳng có gì để nói trong trường hợp nhóm nhà đầu tư trên cử người đại diện vào hội đồng quản trị, chia sẻ định hướng kinh doanh, cùng điều hành ngân hàng. Tuy nhiên, nếu mục đích của họ hướng tới M&A, thì sẽ có không ít bàn luận.

Có khả năng thâu tóm?

Liệu khả năng M&A Sacombank có thực tế?

Trước hết xét về cơ cấu cổ đông, bảy thành viên hội đồng quản trị, ba kiểm soát, cán bộ công nhân viên của Sacombank, theo số liệu mới nhất, đang nắm giữ ước 60% cổ phần. Nhìn ở khía cạnh khác, cơ cấu như sau: nước ngoài sở hữu 29,45% cổ phần ngân hàng (tính đến ngày 17.1.2011). Chủ tịch hội đồng quản trị và các cổ đông liên quan nắm giữ chừng 30%. Công ty REE sở hữu 3,66%. Lượng cổ phiếu lưu hành bên ngoài và có khả năng chuyển nhượng, như vậy, còn tương đối dồi dào.

Giả sử thâu tóm, nhóm nhà đầu tư trên phải gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Họ có hai cách hoặc tiếp tục mua trên sàn hoặc thương lượng với các cổ đông lớn. Mua trên sàn cần thời gian và việc mua liên tục có thể dẫn tới đẩy giá cổ phiếu, do có thể có những nhà đầu tư “ăn theo”.

Việc thương lượng với các cổ đông lớn cũng không dễ dàng một khi dựa trên mức giá hiện hành. Các quỹ của Dragon Capital (đang nắm giữ 8,17% cổ phần), REE, ANZ (nắm giữ 9,78% cổ phần) đều là những pháp nhân gắn bó lâu dài với Sacombank. Ông Thành “bật mí”: “ANZ uỷ quyền cho bản thân tôi lượng cổ phiếu của họ. Họ sẽ thoái vốn vào một thời điểm thích hợp”. Nhóm nhà đầu tư trên nếu muốn mua lại cổ phần của ANZ sẽ phải đàm phán trực tiếp với ông Thành. Cả REE và Dragon Capital đều không có ý định thoái vốn khỏi Sacombank vào thời điểm này.

Dẫu thế, vẫn có những khả năng xảy ra. Dragon Capital là tổ chức đầu tư tài chính và một trong những chức năng hoạt động của REE là đầu tư tài chính. Mục tiêu hàng đầu của họ là lợi nhuận. Dragon Capital đã từng nhượng lại cổ phần họ sở hữu ở ngân hàng Phương Nam cho những cổ đông lớn tại đây. Năm ngoái Dragon Capital cũng đã bán lại khoản đầu tư tại ngân hàng VPBank vốn được họ nắm giữ 15 năm trời. Vào thời điểm đó, giá cổ phiếu VPBank trên thị trường OTC xấp xỉ mệnh giá, nhưng người mua đã trả cho Dragon Capital cái giá tới 28.000 đồng/cổ phiếu.

Phân tích như thế, có thể thấy việc thâu tóm Sacombank là khó khăn, nhưng không thể loại trừ khả năng nhóm đầu tư trên thành công khi họ đủ tiềm lực để mua trường kỳ ròng rã 15 tháng.

Bán cho người nhà

Tuần trước người nhà của ông Đặng Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, đăng ký bán thoả thuận tổng cộng hơn 15 triệu cổ phiếu. Đối tác đăng ký mua công khai là công ty Thành Thành Công. Những cổ đông của Sacombank, rõ ràng, không thể không đặt câu hỏi về lý do bán tại thời điểm nhạy cảm hiện nay. Ông Thành cho biết: “Trước đây gia đình tôi đầu tư STB, nay chuyển nhượng cho Thành Thành Công, cùng trong một group (nhóm công ty). Chúng tôi không bán ra bên ngoài”. Sau khi nhận chuyển nhượng Thành Thành Công sẽ nắm giữ hơn 20 triệu cổ phiếu STB.

Ông Thành nói: “Chúng tôi không có thông tin ai đang mua cổ phiếu Sacombank, nhưng quan điểm của ngân hàng là chuẩn mực - minh bạch - chào đón”. Ông nhấn mạnh Sacombank là ngân hàng đại chúng, có tới 74.132 cổ đông (tính đến ngày 17.1.2011) và tất cả các nhà đầu tư bỏ vốn vào STB đều được chào đón nếu họ cùng góp sức hợp tác, phát triển.

“Việc sở hữu cổ phiếu Sacombank theo đúng pháp luật và những nhà đầu tư có đủ năng lực có thể tham gia hội đồng quản trị. Còn những nhà đầu tư đi ngược lại quan điểm hợp tác, ngược lại lợi ích chung của cổ đông, hội đồng sáng lập sẽ giám sát, xem xét”, ông Nguyễn Tấn Thành, trưởng ban kiểm soát ngân hàng nói.

Như vậy, có thể thấy, người nhà ông Thành bán cổ phiếu, nhưng “bán cho người nhà” chứ không bán cho nhóm đầu tư trên. Việc này, giới đầu tư thạo tin cho rằng: một động tác phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm.

Những chuyển động của Sacombank vẫn còn ở phía trước.

Theo Hải Lý
SGTT