Tranh cãi về công bằng nếu xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước

(Dân trí) - Cuộc tranh luận có lúc gay gắt diễn ra ở đoàn ĐBQH TP.HCM xung quanh đề xuất xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang thực hiện cổ phần hóa trong tình cảnh nợ thuế, thua lỗ.

"Phải truy thu đến cùng!"

Phiên thảo luận tại tổ của đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vào chiều 29/10 liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế trở nên gay cấn với hàng loạt các tranh luận xoay quanh đề xuất xóa thuế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10 (ảnh: Bích Diệp)
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10 (ảnh: Bích Diệp)

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất: “DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại”.

Tuy nhiên, đề xuất này đã gây tranh cãi lớn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, điều này là không nên, vì sẽ không đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các lực lượng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế như trong tinh thần của Hiến pháp.

“Mặc dù biết rằng truy thu nợ thuế cũng về ngân sách và khi cổ phần hóa, bán cổ phần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để nộp thuế cũng là về ngân sách nhưng thà minh bạch thì sẽ tốt hơn! Do đó tôi đề nghị không nên xóa nợ cho nhóm này mà phải truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm”.

Ông Ngân đề nghị thêm, cơ quan soạn thảo Luật cần công bố cho đại biểu Quốc hội rõ về thông tin: đề nghị xóa nợ thuế cho các DNNN này tương đương bao nhiêu tiền để có sự cân nhắc, quyết định, phù hợp với tình hình tài chính ngân sách như hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch lý giải, đây chỉ là một thủ thuật tài chính. Theo đó, một doanh nghiệp nếu tính cả phần nợ thuế thì vốn chủ sở hữu có thể âm, hoặc còn không đáng kể, lúc đó, để định giá trị doanh nghiệp đưa đi bán, về phương diện tài chính sẽ là cực xấu.

“Đã cực xấu rồi thì bán ai mua? Có nghĩa là nhà nước mất khoản đó!” – ông Lịch nói. Do đó, nếu như Nhà nước bỏ đi khoản thuế này thì cơ cấu tài chính sẽ tốt, được định giá tốt và lúc bán, nhà nước vẫn thu được tiền trong khi doanh nghiệp vẫn cổ phần hóa (CPH) được. “Nói nôm na, Nhà nước bỏ cái trước, thu lại cái sau nhưng doanh nghiệp đó đạt được mục tiêu CPH”.

Truy trách nhiệm để xảy ra thua lỗ, nợ thuế

Theo ông Lịch, đối với doanh nghiệp, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là cực kỳ quan trọng. Do vậy, khi giảm nợ thì sẽ có lợi.  Ông Lịch cũng cho rằng, trong kinh doanh, lỗ-lãi là điều bình thường, các doanh nghiệp tư nhân cũng vậy chứ không chỉ mỗi DNNN.

Đến đây, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lên tiếng: “Các doanh nghiệp này lỗ sao mà lương lại cao vậy? Ai truy những chuyện đó?”


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm: Doanh nghiệp lỗ mà sao lương lại cao vậy

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Doanh nghiệp lỗ mà sao lương lại cao vậy"

Ông Lịch đáp: “Như vậy là sai! Thế nên tôi mới đề nghị phải tách bạch hai vấn đề này với nhau! Trách nhiệm nếu làm sai thì phải xử lý. Tuy nhiên vẫn phải tạo điều kiện để doanh nghiệp cổ phần hóa, cho tư nhân tham gia và phục hồi doanh nghiệp, còn hơn là truy thu tiền thuế khiến doanh nghiệp không thể bán được cổ phần và buộc phải giải thể”.

Giải thể về nguyên tắc là phải giải quyết xong nợ nần rồi mới được giải thể, như vậy chính Nhà nước lại phải trả tiền cho nhà nước chứ đâu “xù” được!", ông Trần Du Lịch cắt nghĩa.

Bà Tâm liền hỏi: “Bây giờ còn đó mà chưa xử lý được, sau này bán đi rồi thì còn xử lý được ai?”. Ông Lịch nhấn mạnh: “Việc nợ thuế, thua lỗ và việc vi phạm pháp luật là hai vấn đề khác nhau. Không phải doanh nghiệp nào cũng không được thua lỗ. Về nợ thuế, không phải doanh nghiệp nào cũng chây ì, chiếm dụng cả”.

Ông Lịch cho rằng, không phải giám đốc làm sai, khi được xóa thuế thì cũng xóa luôn trách nhiệm là không được. Dĩ nhiên, giám đốc phải vi phạm pháp luật mới truy cứu được trách nhiệm chứ còn kinh doanh thua lỗ là bình thường

Mặc dù vậy, bà Tâm vẫn băn khoăn, đúng là trong chuyện làm ăn có lời có lỗ, nhưng phải giải trình được vì sao thua lỗ, phải truy cứu được trách nhiệm đó thuộc về ai.

“Nếu không khéo, Quốc hội làm chính sách lại bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm” – vị đại biểu này lo ngại.

Đại biểu Trần Thị Dung cũng cho biết, không đồng tình với quyết sách xóa nợ thuế cho DNNN vì trên thực tế, DNNN luôn được ưu ái hơn.

“Tôi đề xuất phải minh bạch nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp này nợ thuế, vì chủ quan hay khách quan. Không nên áp một chính sách cào bằng cho các doanh nghiệp. Nếu thực hiện thì các DNNN sắp tới đây thực hiện cổ phần hóa cũng sẽ chây ỳ để đến khi cổ phần hóa thì họ cũng sẽ được hưởng chế độ xóa nợ như thế này” – bà Dung cho biết. Đồng thời, bà Dung cũng đề nghị kiểm toán vấn đề lỗ lãi tại các DNNN, không để xảy ra những trường hợp tương tự Vinashin, Vinalines trước đây.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng, Chính phủ cần phải làm rõ có bao nhiêu doanh nghiệp nằm trong diện này và với chính sách đề xuất, lợi ích cho Nhà nước thu được sẽ ra sao.

Bích Diệp