Tràn lan quảng cáo độc hại triệu view trên Facebook, TikTok

Ninh An

(Dân trí) - Trên mạng xã hội như Facebook, TikTok vẫn xuất hiện nhan nhản các quảng cáo độc hại. Cơ quan quản lý sẽ từng bước điều tiết để dòng tiền quảng cáo không chảy vào nội dung xấu độc.

Quảng cáo độc hại hàng triệu lượt view trên mạng xã hội

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 9/2022 cho thấy Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng internet, chiếm hơn 70% dân số. Số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm.

Tính đến năm 2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Trung bình người Việt Nam dành tới gần 7 giờ mỗi ngày cho các hoạt động trên internet và tỷ lệ người sử dụng internet hàng ngày lên tới 94%.

Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội khiến các doanh nghiệp, cá nhân ngày càng lựa chọn các nền tảng này để nhanh chóng tiếp cận đến người tiêu dùng khi muốn quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trên các nền tảng như Facebook, TikTok tràn lan các thông tin quảng cáo "bẩn", độc hại, vi phạm bản quyền, thông tin giả, nhạy cảm về chính trị...

Ví dụ tại tính năng Watch (xem video) của Facebook xuất hiện nhiều trang cá nhân, tài khoản đưa về tin tức thời sự được cập nhật hàng ngày. Những trang này liên tục đưa các video với thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Còn ở trên tính năng Reels (video ngắn), ngoài những thông tin sai sự thật, độc hại được rút ngắn còn tràn lan nội dung quảng cáo công khai các hình thức cờ bạc cho đến thuốc kích dục.

Với từ khóa "cờ bạc", người dùng có thể dễ dàng tìm được hàng loạt video có lượt xem "khủng" 1-2 triệu view. Điều đáng nói là những video với lượng xem "khủng" này đều được các cá nhân công khai số điện thoại với mục đích kêu gọi tham gia.

Tràn lan quảng cáo độc hại triệu view trên Facebook, TikTok - 1

Video ngắn hàng triệu lượt xem về cờ bạc có gắn số điện thoại liên hệ (Ảnh chụp màn hình).

Không chỉ dễ dàng tìm được các thông tin về cờ bạc, cá độ, người dùng mạng xã hội này cũng chỉ cần vài thao tác là tìm được những sản phẩm cấm bày bán. Ví dụ khi tìm từ "thuốc kích", người dùng được đề xuất hàng loạt video với hình ảnh nhạy cảm kèm thêm thông tin số điện thoại để liên hệ. Những video quảng cáo này có từ vài chục đến vài trăm nghìn lượt xem.

Tương tự Facebook, những sản phẩm có nội dung không lành mạnh kiểu trên cũng dễ dàng được tìm thấy trên nền tảng TikTok. Thậm chí, người dùng chỉ cần gõ 1-2 từ, ứng dụng sẽ gợi ý để tìm ra được cụm từ thường được tìm kiếm về những sản phẩm. Ví dụ chỉ cần gõ từ "thuốc" thì sẽ được gợi ý từ thuốc kích dục, thuốc mê, thuốc ngủ cho đến thuốc giảm cân, từ đó có thể tìm được cách để liên hệ với người bán qua số điện thoại được gắn vào video.

Tràn lan quảng cáo độc hại triệu view trên Facebook, TikTok - 2

Dễ dàng tìm ra các sản phẩm độc hại trên TikTok (Ảnh chụp màn hình).

Siết chặt quản lý

Nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang hàng ngày rà quét để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc.

Thời gian qua, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã xử phạt nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quảng cáo vào các nội dung xấu độc.

Hiện nay, theo quy định các nhãn hàng, các đại lý quảng cáo không được quảng cáo trên các nền tảng vi phạm pháp luật mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, các ngân hàng, trung gian thanh toán không được hợp tác thanh toán, hỗ trợ thanh toán. 

Bộ cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới không có văn phòng tại Việt Nam, chưa tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ nghiêm.

"Chúng ta kêu gọi các sản phẩm, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hợp pháp của Việt Nam đang quảng cáo trên các môi trường internet thể hiện sự đồng hành với Nhà nước, Chính phủ, trách nhiệm xã hội bằng cách không đưa tiền của mình vào những kênh nội dung xấu độc qua đó vô hình trung góp phần nuôi dưỡng các kênh đó được phát triển", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Do Facebook và Youtube chưa có cơ quan đại diện tại Việt Nam nên trước mắt Bộ sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra mọi hoạt động của TikTok trong tháng 5 tới.

2 công ty bị phạt vì đặt sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật

Ngày 22/3, Cục trưởng Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam. 

Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam đã đặt sản phẩm quảng cáo các nhãn hàng L'Oréal (ngày 29/10/2022) của Công ty TNHH L'Oréal Việt Nam; Mirinda (3/1/2023) và Boss Coffee (30/12/2022) của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam vào một số kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Gần đây nhất, theo quyết định được Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra ngày 10/4, công ty truyền thông WPP đã thực hiện hành vi vi phạm là đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (ngày 31/12/2022) vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật, được quy định tại khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng.

Doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn quảng cáo trong White List

Từ cuối tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (White List) và đề xuất cho các doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo trong danh sách này nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu.

Trước tiên, White List bao gồm báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, có thông tin về người chịu trách nhiệm quản lý nội dung.