“Trần lãi suất huy động đã không còn nhiều ý nghĩa”

(Dân trí) - Theo VEPR, các trần lãi suất tạo áp lực về cân đối vốn lên các ngân hàng (NH) nhỏ trong khi không có nhiều ý nghĩa với các NH lớn dư thừa thanh khoản.

“Trần lãi suất huy động đã không còn nhiều ý nghĩa”
NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất trên thị trường mở (5,5%) và lãi suất tái chiết khấu (4,5%) để hỗ trợ thanh khoản các NH nhỏ.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cho biết, trong năm 2014, trần lãi suất huy động với tiền đồng đã được hạ xuống 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Để duy trì tương quan giá trị giữa VND và USD, trần lãi suất huy động với USD được giảm xuống còn 0,75%/năm cho cá nhân. 

Theo VEPR, các trần lãi suất tạo áp lực về cân đối vốn lên các ngân hàng (NH) nhỏ trong khi không có nhiều ý nghĩa với các NH lớn dư thừa thanh khoản. Đường cong lãi suất hình thành rõ rệt, cho thấy nhu cầu vốn cân đối giữa các kì hạn. Chênh lệch lãi suất cho vay-huy động theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã giảm còn 2,8% từ mức 3,5% trong năm 2011, cho thấy các ngân hàng có tiến bộ trong năng lực tài chính.

Dư nợ tín dụng tăng khả quan, có đóng góp đáng kể của tín dụng ngoại tệ: Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước tăng 14%, tốc độ tăng thực (đã loại trừ lạm phát) vào khoảng 10%. Tín dụng ngoại tệ, mà chủ yếu là đô la Mỹ (USD), được cho phép mở rộng như một ngoại lệ của NHNN khi mở rộng tín dụng bằng đồng Việt Nam (VND) tăng chậm hơn mong đợi của nhà điều hành. 

Lãi suất thấp hơn - chỉ bằng 1/3 - và rủi ro tỉ giá thấp là hai yếu tố hỗ trợ lựa chọn tín dụng bằng đồng ngoại tệ. Do đó, theo VEPR, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng bằng USD năm 2014 bằng khoảng 3 lần tỉ lệ tăng trưởng tín dụng bằng VND. Đổi lại, tỉ lệ đô la hoá của nền kinh tế có thể đã tăng lên từ mức thấp nhất trong nhiều thập niên (17,8%, vào tháng 4/2014) và tỉ lệ tín dụng/tiền gửi bằng USD tăng lên 88% (vào tháng 6/2014) so với tỉ lệ 80% của VND.

Theo khuyến nghị của VEPR, trong bối cảnh lãi suất sẽ giảm thêm và trở nên kém quan trọng hơn với DN, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy các cải cách hành chính và thể chế để thuận lợi hoá đầu tư và sản xuất, củng cố tài khoá thông qua giảm chi thường xuyên, giảm thiểu rủi ro về đầu tư khiến lãi suất giảm một cách lành mạnh, và qua đó khuyến khích hoạt động kinh tế tăng tốc bền vững.

Chính phủ cần tỏ rõ cam kết sẽ không thực hiện cả hai lựa chọn có lợi nhất thời cho ngân sách (tăng thuế suất và tạo lạm phát) mà kiên nhẫn chờ đợi phục hồi kinh tế nhờ giá dầu giảm. Chính phủ phải thể hiện được cam kết tiếp tục cải cách để thúc đẩy tăng trưởng, tiết chế chi thường xuyên, giảm thủ tục hành chính, để từ từ lấy lại cân đối ngân sách. Điều mấu chốt là duy trì niềm tin và kì vọng của thị trường vào tầm nhìn chính sách và khả năng điều hành của Chính phủ.

Trong bối cảnh lạm phát thấp, thanh khoản dồi dào, các NH sẽ tự động điều chỉnh lãi suất. NHNN có thể dỡ bỏ trần lãi suất cho huy động và cho vay vì các quy định này đã mất nhiều ý nghĩa và không còn có tính ràng buộc chặt. NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất trên thị trường mở (5,5%) và lãi suất tái chiết khấu (4,5%) để hỗ trợ thanh khoản các NH nhỏ.

Cũng theo VEPR, NHNN nên thận trọng với tín dụng ngoại tệ khi tỉ lệ tín dụng/tiền gửi ngoại tệ đã tăng lên 88%. Tiếp tục chính sách này có thể gây mất cân đối ngoại tệ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, một ràng buộc từ phía cung là lãi suất tiền gửi USD chịu mức trần 0,75%/năm làm giảm động lực tiền gửi. Thúc đẩy tín dụng ngoại tệ có thể giảm gánh nặng đẩy vốn ra nền kinh tế của hệ thống ngân hàng nhưng tỏ ra mâu thuẫn với mục tiêu giảm tình trạng đô la hoá của hệ thống tài chính.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”