"Trận chiến" giới siêu giàu: Khi Jeff Bezos quyết đấu với Mukesh Ambani
(Dân trí) - Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đang quyết đấu để giành giật thị phần bán lẻ tại thị trường đông dân thứ 2 thế giới.
CEO Amazon - tỷ phú Jeff Bezos - đang tìm cách chặn thương vụ bán mình của công ty bán lẻ Ấn Độ Future Retailer - một công ty con của Tập đoàn Future Group - cho Tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Ambani.
"Trận chiến" khốc liệt hơn khi cả Amazon và Reliance đều muốn chiếm lĩnh thị phần thống trị tại thị trường thương mại điện tử ở đất nước tỷ dân còn nhiều tiềm năng.
Tháng 8/2019, Amazon đầu tư vào Future Retail thông qua việc mua 4,5% cổ phần của công ty này. Một năm sau, Reliance Retail cũng thông báo ký thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Future Group để tiếp quản mảng bán lẻ, bán buôn, hậu cần và kho bãi.
Phản ứng về thương vụ này, Amazon cho rằng, hợp đồng năm 2019 của họ bao gồm một điều khoản không cạnh tranh. Trong đó cấm Future Retail và Future Group tiến hành kinh doanh với 30 tổ chức, bao gồm cả Reliance. Amazon cáo buộc Future Group vi phạm các điều khoản của thỏa thuận trong đó có "quyền từ chối đầu tiên".
Ngày 5/10/2020, Amzon đã đệ đơn lên Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) yêu cầu đình chỉ thương vụ giữa Future Group và Reliance. Tháng 1/2021, SIAC đã thành lập một hội đồng để nghe các bên tranh luận trong vòng cuối cùng của quá trình tố tụng.
Ngày 15/2, nhật báo hàng đầu Ấn Độ Times đã đưa tin rằng, Future Group cáo buộc Amazon đã yêu cầu đòi lại 40 triệu USD để rút "quyền từ chối đầu tiên".
Tại Ấn Độ, ngày 11/2, Amazon cũng đã gửi đơn lên Tòa án cao cấp Ấn Độ (SC) cáo buộc thương vụ Future - Reliance là "bất hợp pháp" và "tùy tiện".
Động thái này được đưa ra sau khi Tòa án cấp cao Delhi lật lại phát quyết của SIAC. Tháng trước, Amazon cũng đã yêu cầu Tòa án cấp cao Delhi thực thi theo phán quyết sơ bộ của SIAC.
Tuy nhiên, cả Reliance và Future Group đã phủ nhận mọi cáo buộc này và cho rằng cam kết của họ hoàn toàn "có thể thực thi theo luật pháp Ấn Độ".
Thị trường bán lẻ Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với giá trị ước tính khoảng 60 tỷ USD. Theo một báo cáo của India Brand Equity Foundation xuất bản tháng 11/2020, doanh số thị trường tạp hóa trực tuyến Ấn Độ ước tính đạt 3,19 tỷ USD trong năm 2020, tăng 76% so với năm trước đó.
Cũng theo ước tính của báo cáo này, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Ấn Độ sẽ đạt 99 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng 27% hàng năm so với năm 2019.
Reliance là một trong những công ty lớn nhất và quyền lực nhất ở Ấn Độ, hoạt động trong tất cả các khía cạnh của đời sống Ấn Độ từ viễn thông, giải trí, thương mại điện tử, nông nghiệp, bán lẻ, thời trang, dầu mỏ và khí đốt,… Nếu thỏa thuận giữa Future và Reliance đạt được thì Reliance sẽ có quyền tiếp quản hơn 1.800 cửa hàng tại 420 thành phố ở Ấn Độ.
Do đó, Amazon buộc phải nhờ đến Tòa án tối cao Ấn Độ trong nỗ lực ngăn chặn thương vụ mà tập đoàn này cho rằng sẽ có "tác hại không thể khắc phục".
Tháng 1/2020, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Amazon sau khi một nhóm thương mại bán lẻ cáo buộc tập đoàn này về hành vi phi cạnh tranh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cuộc điều tra sau đó đã bị hủy khi "gã khổng lồ" Mỹ kháng cáo lên một tòa án địa phương.
Trong năm 2020, chi nhánh của Amazon tại Ấn Độ đã ghi nhận mức doanh thu tăng kỷ lục với 43% lên 1,5 tỷ USD so với mức 1,043 tỷ USD năm 2019.
Theo tin mới nhất, hôm qua (22/2), Tòa án Ấn Độ đã lật lại phán quyết của tòa án cấp dưới, ngừng thông qua thương vụ bán tài sản trị giá 3,4 tỷ USD giữa Future - Aliance theo đơn kiện của Amazon.
Phán quyết này đánh dấu một chiến thắng nữa cho Amazon trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Ấn Độ, ngăn chặn tham vọng dấn thân vào mảng bán lẻ của tỷ phú Ambani, ít ra là cho đến lúc này.
Dự kiến, một phiên tòa khác sẽ diễn ra sau 5 tuần nữa sau khi thu thập thêm các chứng cứ từ Future.