Trái phiếu Vietcombank sụt giá, nhiều rủi ro tiềm ẩn
Trái phiếu không được chuyển đổi trực tiếp thành cổ phiếu, mà người mua trái phiếu chỉ được quyền ưu tiên mua cổ phiếu phổ thông khi VCB cổ phần hóa.
Trái phiếu tăng vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) (thường gọi là trái phiếu Vietcombank, ký hiệu là VCB1 105) mới lên sàn giao dịch vào ngày 28/7. Sau hơn 1 tuần niêm yết, giá VCB1 105 trồi sụt mạnh theo cảm hứng của nhà đầu tư.
Giảm 50% so với lúc cao điểm
Thời kỳ cao điểm (tháng 4 và 5/2006), trái phiếu VCB1 105 giao dịch trên thị trường tự do đạt mức giá khoảng 185.000 đồng (mệnh giá gốc 100.000 đồng). Vào thời điểm này, nhiều người vì kém hiểu biết nên đã kỳ vọng ảo về trái phiếu VCB1 105 đổ xô đi tìm mua, làm cho giá của nó tăng cao.
Những nhà đầu tư mua được trái phiếu theo giá gốc bán ra ở thời điểm này đã thu siêu lợi nhuận. Nhưng sau đó khi nó chính thức được lên sàn giao dịch thì sự kỳ vọng ảo đó đã tan biến.
Ngay trong phiên đầu tiên có tới 18 lệnh rao bán 80.000 trái phiếu, nhưng chỉ có 4 lệnh đặt mua với số lượng 7.000 trái phiếu. Kết thúc phiên chợ chỉ có 2 lô được giao dịch thỏa thuận, với tổng số lượng mua-bán chỉ đạt 4.000 trái phiếu (tương đương 400 triệu đồng mệnh giá).
Mặc dù mua bán ít như vậy nhưng lại có 2 mức giá khác biệt là 140.000 đồng và 165.000 đồng/trái phiếu. Đến các phiên giao dịch chứng khoán sau đó, trái phiếu này giảm giá dần.
Mức giá tùy thuộc cảm tính hoặc trình độ hiểu biết của người mua trong từng ngày, nhưng chỉ xoay quanh mức 120.000 đồng đến 140.000 đồng/trái phiếu.
Cá biệt, trong ngày 4/8 cũng chỉ có 4.500 trái phiếu được giao dịch thành công, giá mua-bán đầu ngày là 125.000 đồng/trái phiếu, nhưng đến cuối ngày chỉ còn 93.749 đồng/trái phiếu. So với giá gốc đã giảm 6.251 đồng, tương đương âm 6,251%.
Nếu so với giá thị trường lúc cao điểm nó đã giảm 50%.
Quá nhiều ẩn số
Cho đến nay, việc cổ phần hóa VCB vẫn chưa tiến hành nên chưa có công bố chính thức về việc bán cổ phần của ngân hàng này.
VCB dự kiến thời gian sớm nhất để bán cổ phần lần đầu ra công chúng là ngày 30/3/2007. Tuy nhiên, việc ra quyết định là do Chính phủ nên thời gian bán cổ phần vẫn còn là một ẩn số chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo phương án phát hành đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trái phiếu này có thời hạn 7 năm (từ ngày 26/12/2005 đến 26/12/2012) và lãi suất được xác định là 6%/năm. Nghĩa là những người đã mua trái phiếu VCB1 105 với giá gốc hoặc theo giá thị trường khi đáo hạn chỉ được nhận vốn gốc và hưởng lãi 6%/năm.
Đây không phải là trái phiếu chuyển đổi trực tiếp thành cổ phiếu, mà người mua trái phiếu này chỉ được quyền ưu tiên mua cổ phiếu phổ thông khi VCB cổ phần hóa. Mức giá mua cổ phiếu có thể được tính theo một trong 2 cách như sau:
-Nếu áp dụng một mức giá trúng thầu duy nhất thì đây là mức giá để tính chuyển đổi từ giá trị trái phiếu ra cổ phiếu cho nhà đầu tư.
-Nếu có nhiều mức giá trúng thầu khác nhau thì giá chuyển đổi là giá bình quân gia quyền của các mức giá này.
Mặt khác, mức giá đó còn phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ cung cầu của thị trường thời điểm đó. Nếu thời điểm bán đấu giá cổ phiếu VCB mà thị trường “nóng” thì có thể giá trúng thầu bình quân sẽ cao, còn nếu lúc đó thị trường “lạnh” thì giá trúng thầu bình quân có thể thấp.
Vì chưa biết khi nào phiên đấu giá sẽ diễn ra nên chắc chắn mức giá trúng thầu vẫn còn là ẩn số, nhiều nhà đầu tư sợ rủi ro nên không dám mua trái phiếu, làm cho giá sụt giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB):
VCB sẽ bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư
Hiện nay, trái phiếu của chúng tôi chưa được gọi là trái phiếu chuyển đổi bởi nếu là trái phiếu chuyển đổi thì phải có tỉ lệ chuyển đổi. Trái phiếu VCB chưa xác định được tỉ lệ này nên mới chỉ là trái phiếu được quyền ưu đãi chuyển đổi thành cổ phiếu (CP) khi VCB phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Mục đích cao nhất của trái phiếu VCB là bảo đảm cho các nhà đầu tư có quyền trở thành cổ đông của VCB. Cũng vì mục tiêu đó mà nhiều nhà đầu tư khi đấu thầu đã chấp nhận mức trả lãi bằng 0 tại phiên đấu thầu trái phiếu.
Hiện nay, theo kiểm toán quốc tế thì vốn tự có của VCB xấp xỉ gần 10.000 tỉ đồng. Và giá trị của VCB được xác định gấp 3 lần. Như vậy, khi lượng CP lần đầu được phát hành ra theo tỉ lệ 10%, chúng tôi đã có một lượng CP trị giá khoảng 3.000 tỉ đồng.
Với lượng trái phiếu vừa được niêm yết vào ngày 28/7 vừa qua, chúng tôi chỉ cần dành ra khoảng 400 tỉ đồng CP là đã đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư trái phiếu. Số lượng CP còn lại sẽ được bán ra thị trường và cho CB-CNV VCB theo đúng quy định của Nhà nước.
Tôi xin cam đoan rằng với năng lực và trách nhiệm của mình, VCB sẽ bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Đặng Nguyễn |
Theo T.P.Minh
Báo Người lao động