Trả lại quyền quản lý chung cư: sau Keangnam là ai?

Việc chủ đầu tư Chung cư Keangnam trả lại quyền quản lý chung cư đang khiến nhiều người lo ngại sẽ có hành động tương tự của các chủ đầu tư khác.

Sau sự kiện chủ đầu tư Chung cư Keangnam gửi công văn bàn giao quyền quản lý dự án căn hộ cho UBND TP. Hà Nội, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc chủ dự án từ chối trách nhiệm quản lý, vận hành tòa nhà tại các khu dân cư có thể gia tăng tại nhiều dự án khác trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân là những tranh cãi về mức phí quản lý giữa người dân và đơn vị quản lý tòa nhà đang tồn tại ở không ít dự án.

 

Không thể vận hành tòa nhà do mức phí người dân đề xuất quá thấp, mới đây, chủ dự án Keangnam Landmark Tower đã gửi công văn bàn giao quyền quản lý tòa nhà cho UBND TP. Hà Nội. Mặc dù ngay sau đó, chủ dự án đã lại có thông báo tiếp tục điều hành khu chung cư, nhưng động thái này khiến không ít người liên tưởng đến kịch bản hàng loạt chủ dự án trả lại quyền quản lý nhằm gây sức ép với cơ quan chức năng và người dân để tăng phí vận hành chung cư.

 

Trong khi đó, người dân tại nhiều chung cư khá hoang mang với thông tin này, bởi trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có rất nhiều dự án chung cư xảy ra tình trạng căng thẳng về mức phí quản lý giữa người dân và chủ dự án. Nếu các chủ dự án khác cũng từ chối quản lý, điều hành tòa nhà, thì cuộc sống của hàng nghìn người dân tại các khu chung cư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Trao đổi với báo chí việc chủ dự án Keangnam - Vina trả quyền quản lý chung cư cho Thành phố, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, Keangnam - Vina không có cơ sở pháp lý để trả lại chung cư cho Thành phố. Doanh nghiệp này được giao kinh doanh dự án thì phải có trách nhiệm đến cùng với người dân đã mua sản phẩm của họ.

 

Về mức phí mới được chủ dự án Keangnam áp dụng là 15.085 đồng/m2, theo nhiều hộ dân, đó vẫn là mức quá cao so với mức trần được TP. Hà Nội quy định là 4.000 đồng/m2. Tuy nhiên, ông Hùng lại cho rằng, khi thu mức phí ấy, Keangnam không phá vỡ quy định của Thành phố. Bởi mức trần 4.000 đồng/m2 chỉ áp dụng với phí quản lý một loại nhà ở cụ thể, còn với các công trình có những dịch vụ phụ trội cao hơn thì chủ đầu tư được phép lập dự toán và thỏa thuận với người dân trên cơ sở phù hợp với công việc.

 

Không chỉ với dự án Keangnam, tại một dự án khác cách đó không xa là N05 trên đường Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) của chủ đầu tư Vinaconex, người dân cũng đang có những đòi hỏi hết sức gay gắt với chủ dự án nhằm hạ mức phí quản lý đang áp dụng. Điều đáng nói là đơn vị quản lý Vinasinco (là công ty con của Vinaconex) hiện chỉ áp mức trần phí quản lý là 4.000 đồng/m2 sàn và phí trông giữ ô tô là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người dân vẫn phản đối quyết liệt vì cho rằng mức phí này vẫn rất cao so với công việc quản lý thực tế.

 

Theo khảo sát của đại diện cư dân Dự án N05, có đến 64,6% người dân chỉ đồng ý với mức phí dưới 2.000 đồng/m2; 21,5% đồng ý mức từ 2.000 - 3.000 đồng/m2; còn lại 5,7% đồng ý với mức phí 3.000 đồng trở lên. Trong khi đó, với phí trông giữ ô tô, phần lớn ý kiến người dân đồng ý với mức phí từ 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Thậm chí, tại cuộc họp Hội nghị cư dân N05 lần 2 ngày 3/4 mới đây, nhiều cư dân tòa nhà còn khẳng định, ngay cả mức phí 2.000 đồng/m2 nếu được áp dụng vẫn là quá cao.

 

Do kỳ vọng của người dân về mức phí rất thấp so với con số của đơn vị quản lý, những căng thẳng của người dân và chủ đầu tư dự án này liên tiếp leo thang. Đến nay, người dân không chỉ đấu tranh đòi giảm phí dịch vụ, mà đã mở rộng ra những vấn đề khác để gây sức ép với chủ đầu tư.

 

Có mặt tham dự Hội nghị cư dân N05 lần 2 ngày 3/4, sau khi nghe tất cả những ý kiến bức xúc của cư dân, đại diện Sở Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: “Mong muốn của người dân về mức phí thì càng rẻ càng tốt. Vì vậy, vấn đề ở đây là chủ đầu tư phải đưa ra các phương án quản lý và công bố công khai các khoản thu chi. Nếu không, ngay cả khi áp dụng mức phí 1.000 - 2.000 đồng/m2, người dân vẫn kêu đắt!”.

 

Trả lời câu hỏi, nếu không thỏa thuận được mức phí dịch vụ hợp lý, Vinaconex có thể làm giống Keangnam là trả quyền quản lý chung cư cho Thành phố thì sẽ ra sao? Ông Khánh cho rằng sẽ không thể có chuyện này, bởi Vinaconex là doanh nghiệp nhà nước nên càng phải có trách nhiệm hơn đối với đời sống người dân.

 

Theo thông báo mới nhất của đại diện cư dân N05, sau buổi Hội nghị cư dân lần 2 không đạt hiệu quả, chiều thứ Sáu ngày 6/4, cư dân tòa nhà sẽ tiếp tục tập trung phản đối sự xuất hiện của các nhà hàng tại tòa nhà này.

 

Chưa biết khi nào chủ dự án N05 và người dân mới tìm được tiếng nói chung và khi nào người dân mới thôi các hoạt động phản đối chủ đầu tư? Bởi theo ông Khánh, ngay cả trong trường hợp người dân thành lập được Ban quản trị tòa nhà, họ cũng không thể tự đứng ra thuê đơn vị quản lý. Vì thế, dù muốn hay không, trong suốt quá trình sinh sống sau này, người dân vẫn phải hợp tác với chủ đầu tư và đơn vị quản lý.

 

Theo Nguyên Minh

ĐTCK