Trả lại ngân sách còn hơn cứ cố giải ngân khi dự án kém hiệu quả kinh tế

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trả lại vốn đầu tư công cũng là giải pháp để tránh xảy ra các dự án đội vốn, xóa bỏ tâm lý ‘tiền chùa tiêu cho hết’.

Vừa qua, tại hội nghị giao ban trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vừa được Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan này nhận được văn bản đề nghị từ một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xin chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chuyển cho nơi khác, với tổng số 6.338 tỷ đồng. Trong số này, vốn trong nước 341,6 tỷ đồng và vốn nước ngoài gần 5.996,5 tỷ đồng.

Trả lại vốn đầu tư công vì không thể giải ngân do năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm hay đây là giải pháp để tiết kiệm ngân sách nhà nước trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế đang suy kiệt và rất cần sự cứu trợ? Báo Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

Trả lại ngân sách còn hơn cứ cố giải ngân khi dự án kém hiệu quả kinh tế - 1

Bà Phạm Chi Lan: Trả lại vốn ngân sách cho Nhà nước khi cảm thấy dự án triển khai sẽ kém hiệu quả là việc rất đáng hoan nghênh. 

Gần 6.400 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước vừa được 9 bộ ngành và địa phương xin chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chuyển cho nơi khác, bà đánh giá thế nào về con số này?

-Việc trả lại vốn ngân sách cho Nhà nước khi cảm thấy dự án triển khai sẽ kém hiệu quả là việc rất đáng hoan nghênh. Điều này còn hơn là chúng ta cứ cố giải ngân trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không xứng đáng. Đấy là chưa tính, nếu dự án cố giải ngân theo tâm lý ‘tiền chùa tiêu cho hết’ sẽ dẫn đến tình trạng đội vốn. Sẽ rất tồi tệ nếu cứ tiếp tục để xảy ra các dự án đội vốn.

Không riêng 9 bộ ngành này, tất cả những nơi khác nếu không dùng hết ngân sách, không nên cố tiêu. Theo tôi, điều này nếu tạo được tiền lệ càng tốt ở trong những năm tiếp theo.

Ngay cả lý do vì sao họ trả lại thì cũng không cần truy đến cùng về nguồn gốc, lý do. Có rất nhiều lý do, trong đó, tôi nghĩ điều mà các bộ ngành, địa phương trả lại ngân sách là vì họ thấy dự án nếu triển khai sẽ kém hiệu quả.

Có thể tính toán ban đầu có những điều chưa xác đáng, hoặc thay đổi theo điều kiện hiện nay, hoặc họ tính toán năng lực, điều kiện sẽ không đảm bảo kịp tiến độ trong năm 2020, hoặc có thể họ nhìn thấy nguồn vốn không đủ cho dự án, nếu muốn làm thì cần bổ sung. Như vậy việc trả lại ngân sách là đúng.

Chúng ta cũng không nên chỉ trích việc trả lại vốn đầu tư công là do nặng lực giải ngân kém, công tác thẩm định dự án có vấn đề mà cần nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Không nhất thiết phải giải ngân cho bằng được trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang có nhiều biến động, có nhiều nhu cầu khác lớn hơn cả trước mắt và dài hạn.

Công cuộc chống dịch trong thời gian qua đã ngốn một số tiền ngân sách rất lớn. Thu ngân sách năm nay sẽ giảm so với năm trước, bội chi ngân sách cao hơn, nợ công tăng lên, nên càng tiết kiệm được ngân sách thì càng tốt. Nếu như nguồn đầu tư công Nhà nước chưa đầu tư vội mà dồn lại được thì càng tốt.

Dù vậy, việc trả lại vốn đầu tư công vẫn chứng tỏ việc phê duyệt ngân sách trước đó đã có nhiều bất cập?

-Chúng ta phải thừa nhận là có rất nhiều dự án đầu tư công gây lãng phí, nguyên nhân là do công tác đánh giá ban đầu thiếu xác đáng. Dự án không thật sự cần thiết vẫn được phê duyệt theo kiểu ngành này được, ngành kia phải được, địa phương này có địa phương kia phải có, rồi đua nhau xin ngân sách. Đã có những thay đổi sau khi chúng ta ban hành Luật Đầu tư công, tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của việc đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công vẫn đang còn có nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cần tập trung vào việc quản lý vốn đầu tư công cho tốt, đánh giá với nhau một cách thẳng thắn. Cái gì chưa cần thì kiên quyết dừng lại và Nhà nước cần chủ động rà soát, thấy dự án nào chưa thật sự cấp bách, hiệu quả kinh tế hạn chế thì nên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dừng lại để tập trung tiền vào những việc khác quan trọng hơn.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang điêu đứng vì Covid-19 thì số tiền này có thể là một cứu cánh đối với họ?

-Vấn đề cấp bách hiện nay là việc bổ sung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân đang khó khăn do COVID-19. “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, nếu dịch COVID-19 kéo dài thì mỗi tháng sẽ có 10 vạn lao động thất nghiệp. Cùng với con số 31 triệu lao động Việt Nam hiện nay đang bị mất việc làm và giảm thu nhập, đây sẽ là một gánh nặng cho nền kinh tế xã hội. Cuộc sống người dân khó khăn thì cần có ngân sách Nhà nước bù đắp, giúp họ ổn định cuộc sống, tránh các tệ nạn xã hội.

Vấn đề nữa, là việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn. Dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, hoặc gói hỗ trợ đó vẫn chưa đủ. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như một cơ thể đang yếu sẵn nên rất cần một liều thuốc mạnh, kịp thời mới có thể cứu chữa. Để giải ngân vốn đầu tư công cần rất nhiều thời gian.

Vì thế, nếu đã cứu trợ thì cần thật nhanh, thật kịp thời. Tránh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn và cảm thấy không trông chờ được gì vào Nhà nước nên tìm cách bán cho các nhà đầu tư bên ngoài. Như thế thì tài sản được tích cóp lâu nay của họ sẽ bị bán với giá rất ‘bèo bọt’ vì dễ bị ép giá.

Ngoài ra, nếu để doanh nghiệp Việt Nam – nhất là doanh nghiệp đang nằm ở các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng – rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài thì điều đó càng nguy hiểm. Đây là cơ hội để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp với những điều kiện cụ thể.

Ngoài việc vượt qua thời điểm khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam cần có thêm sự chuẩn bị trong tương lai gần?

-Thực tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có những ngành kinh tế nội địa có cơ hội vươn lên. Điều họ cần là có vốn để đầu tư vào công nghệ, quản trị để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở vị trí tốt hơn. Chúng ta nói nhiều đến việc đón đại bàng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới nhưng nếu lúc này chỉ loay hoay cứu chữa mà không có sự chuẩn bị cho tương lai thì sẽ rất khó.

Cho nên Nhà nước cần chọn doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực có khả năng vươn cao trong bậc thang chuỗi giá trị thì cần rót tiền ngân sách để đầu tư cho họ bằng nguồn vốn đầu tư công tiết kiệm được trong giai đoạn này. Tiền đầu tư công đó hiệu quả hơn rất nhiều lần so với việc vứ cố tiêu cho bằng hết . Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra đề xuất và được Quốc hội chấp nhận về việc phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở trung hạn, nghĩa là vài năm chứ không phải từng năm một. Bây gờ chúng ta cũng nên làm cần theo tinh thần đó, không cần cố giải ngân hết cho năm nay.

Cũng không nên xem chỉ có đầu tư công mới là cứu cánh mới tạo ra sự tăng trưởng. Đầu tư công thực sự là cứu cánh chỉ khi hỗ trợ được cho sự phát triển chung của nền kinh tế, kể cả khu vực tư nhân. Còn bản thân khu vực đầu tư công chỉ có đóng góp một tỉ trọng nhất định trong tăng trưởng chứ không phải là tuyệt đối.

Cho nên những dự án nào không cần thiết thì nên hoãn lại để dồn nguồn lực, tạm cho vay đầu tư thêm vào doanh nghiệp tư nhân để vực nhau lên thì tốt hơn nhiều.