TPHCM: Quá nhiều doanh nghiệp... li ti
(Dân trí) - Mục tiêu TPHCM đặt ra đến năm 2020 là phải có 500.000 doanh nghiệp. Thế nhưng, có doanh nhân cho rằng con số này khó đạt được. Quan trọng là phát triển tốt những doanh nghiệp đang có hơn là chú trọng về số lượng bởi hiện nay không chỉ có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn xuất hiện doanh nghiệp... li ti.
Tăng gấp đôi số doanh nghiệp: Có khả thi?
Sáng nay 3/7, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp (DN) về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 DN đang hoạt động, riêng TPHCM đóng góp hơn một nửa với 280.000 DN. Nghị quyết 35/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN. TPHCM là địa phương đầu tàu nên sẽ phát triển con số DN từ 280.000 lên 500.000. Không chỉ đặt mục tiêu về số lượng, TPHCM còn chú trọng phát triển các DN dẫn đầu, có những thương hiệu quốc gia mang tầm khu vực và thế giới.
Bí thư Đinh La Thăng cho biết, ở những nước phát triển, bình quân 10 người dân phải có 1 doanh nghiệp. Nước ta hiện nay có 500.000 doanh nghiệp/100 triệu dân tức là 200 người mới có 1 doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế chưa thực sự năng động, phát triển.
Tuy nhiên, đánh giá về mục tiêu đặt ra đến năm 2020, TPHCM phải tăng gấp đôi số lượng DN so với hiện nay đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Lộc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dây và Cáp điện Việt Nam – Cadivi cho rằng, mục tiêu 500.000 DN là khá tham vọng. Trong khi đó, ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Saigontourist thì cho rằng, muốn thục hiện được nhiệm vụ mà Nghị quyết 35 đề ra, DN trong cả nước không chỉ cùng đồng hành mà phải thực sự tăng tốc. Phải đặt mục tiêu sánh ngang với DN các nước Thái Lan, Singapore. Ngoài xây dựng thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp TPHCM nên xây dựng thương hiệu của TPHCM và có chiến lược xây dựng thương hiệu. Hiện nhiều DN vừa và nhỏ sản xuất ra sản phẩm rất tốt nhưng lại rất chật vật tìm kiếm thị trường vì xây dựng thương hiệu không tốt.
Ông Võ Tấn Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát thì cho rằng, phát triển 500.000 doanh nghiệp là rất cần nhưng không nhất thiết chạy theo mục tiêu. Cái quan trọng là phải chọn ra những DN tốt để “chắp cánh” cho doanh nghiệp đó vươn xa hơn trong tầm khu vực, thế giới.
Trong khi các doanh nhân đang “chần chừ” về con số 500.000 doanh nghiệp thì ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM khẳng định, con số này đặt ra rất mơ hồ. Theo ông Anh, doanh nghiệp TPHCM hiện nay không chỉ ở dạng DN nhỏ và vừa mà ngày càng xuất hiện doanh nghiệp... li ti. “Theo quan điểm tôi, không đặt mục tiêu phát triển số lượng đạt 500 ngàn doanh nghiệp mà làm sao các doanh nghiệp đang có phải lớn mạnh lên và vươn tầm”, ông Anh nói.
Doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận vốn ODA
Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng khẳng định mục tiêu 500.000 doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở đầy đủ và thực hiện được. “Chủ tịch Hiệp hội cao su nói con số này rất mơ hồ nhưng tôi thấy con số này có cơ sở. Với TPHCM, mục tiêu này không mơ hồ. Tiềm năng, thế mạnh của TPHCM chưa phát huy hết”, ông Thăng nói.
Bí thư Thăng cho rằng, hiện nay bình quân 1 tháng TPHCM có 3.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ngoài 280.000 doanh nghiệp hiện có, TP đang tạo điều kiện cho kinh doanh cá thể chuyển thành DN. Mục tiêu của TP không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng DN mà phải xây dựng được những thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu tầm khu vực, thế giới.
“Bác Hồ nói, thắng giặc Mỹ, chúng ta xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng hơn. Và đây là trách nhiệm của chúng ta. Khát vọng cháy bỏng của Bác Hồ là dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành độc lập. Phải sánh vai các cường quốc năm châu thì sao ta không phát huy. Phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triệt để phân cấp, phân quyền cho các quận huyện sao cho rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian. Đừng để làm cái giấy tờ đơn giản mà phải mất 5 tuần. Cần tạo được môi trường đầu tư kinh doanh để kích thích sự cống hiến của doanh nghiệp. Doanh nghiệp doanh nhân làm tốt phải được khen thưởng xứng đáng”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng, hiện nguồn vốn ODA chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần xem xét để cho DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn này. Có như thế, nguồn vốn đối ứng sẽ được huy động nhanh, mạnh và từ đó nguồn ODA dễ dàng được giải ngân.
“Lâu nay, vốn ODA chỉ có doanh nghiệp Nhà nước được sử dụng nhưng cần cho doanh nghiệp tư nhân tham gia. Không nhất thiết doanh nghiệp Nhà nước đứng ra vay ODA mà cả doanh nghiệp tư nhân được phép tiếp cận. Vốn ODA hiện có nhưng chưa giải ngân vì chưa có vốn đối ứng”, Bí thư Thăng thông tin.
Chia sẻ với các doanh nhân, Bí thư Đinh La Thăng cũng cho rằng, phong trào Brexit ở Anh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. TPHCM cam kết luôn đồng hành, chia sẻ, phục vụ vô điều kiện DN. Tuy nhiên, thay đổi ngay một lúc thì rất khó. Để đáp ứng các yêu cầu DN thì cần thêm thời gian để bộ máy dần ổn định và chạy tốt hơn.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây yêu cầu TPHCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông. Chính chúng ta, 280.000 doanh nghiệp và 10 triệu dân thành phố phải chiếu sáng hòn ngọc Viễn Đông này”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Công Quang