1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế biển "xanh", bền vững cho Cần Giờ

(Dân trí) - Biển Cần Giờ sẽ là nơi phát triển kinh tế biển của TP.HCM. Vùng biển này sẽ trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế song song với việc phát triển kinh tế biển "xanh", bền vững.

TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh, bền vững cho Cần Giờ - 1

TP.HCM hướng đến phát triển kinh tế biển mạnh mẽ trong tương lai.

Tại Hội thảo "TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế", các chuyên gia, nhà quản lý đã "mổ xẻ" nhiều nội dung và phân tích các vấn đề liên quan đến kinh tế biển của thành phố. 

PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất cao do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên.

Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển... mang lại thu nhập cao cho kinh tế quốc dân và địa phương.

Đô thị biển chính là không gian bao chứa và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế biển. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam, điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển Chuỗi đô thị - kinh tế biển "xanh" gắn với Vịnh Cần Giờ.

TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh, bền vững cho Cần Giờ - 2

Hội thảo TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế (Ảnh: Đại Việt).

"Trong cuộc cạnh tranh phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế biển, nơi nào tạo điều kiện dịch vụ thuận lợi, nhiều tiện ích hơn và giá cả cạnh tranh thì nơi đó được thị trường lựa chọn. TP.HCM cần đẩy nhanh vai trò của thành phố cảng biển - đô thị trung tâm của tuyến hàng hải quốc tế và miền Nam Việt Nam như một đột phá để cất cánh", ông Lưu Thế Anh nói.

Theo PGS.TS Lưu Thế Anh, TP.HCM cần hình thành chuỗi đô thị biển Vịnh Cần Giờ được tổ chức theo một hệ sinh thái cộng sinh bền vững. Đảm bảo tiêu chí sử dụng mọi nguồn lực với hiệu suất cao, tức là mọi hàng hóa có giá thành hạ. Như vậy, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ, trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của quốc gia.

Nhiều ngành kinh tế bám biển như khai thác dầu khí, năng lượng tái tạo, an toàn và giám sát hàng hải, du lịch biển, công nghệ sinh học, dịch vụ biển công nghệ cao… đã có tốc độ phát triển kinh ngạc.

"TP.HCM đang định vị lại lợi thế cạnh tranh của mình. Định hướng trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh. Đây cũng là mong muốn của các thế hệ người dân và lãnh đạo thành phố", ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, TP.HCM đã xác định trong định hướng chiến lược là có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, thành phố sẽ nỗ lực đột phá trong việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và phát triển bền vững.

TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh, bền vững cho Cần Giờ - 3

Biển Cần Giờ sẽ là nơi được đầu tư cho việc phát triển kinh tế biển.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài trên 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.

Hiện nay, Việt Nam có đến 28/63 tỉnh, thành phố có biển và có những đóng góp quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Cụ thể, quy mô dân số của 28 tỉnh, thành phố có biển chiếm 49,2% (47,39 triệu người so với cả nước 96,259 triệu người); diện tích chiếm 40,5% (133.888 km2 so với cả nước 330.966 km2); tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP chiếm 52% (2.612,45 nghìn tỷ đồng so với 5.025,72 nghìn tỷ đồng của cả nước); thu hút vốn đầu tư nước ngoài - FDI chiếm 50,2% (tổng số vốn FDI lũy kế đến 2020 là 191.580,6 triệu USD so với 381.276 triệu USD của cả nước)…

"Là một thành phố ven biển, TP.HCM đóng vai trò "đầu tàu" trong các tỉnh, thành phố ven biển cũng như cả nước. Năm 2020, TP.HCM chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh thành phố ven biển và chiếm 10,8% cả nước. Trong ba thập niên kể từ khi đổi mới, TP.HCM luôn duy trì vị trí dẫn đầu, mặc dù chỉ chiếm gần 10% dân số và 0,6% diện tích của cả nước", ông Hiển nêu dẫn chứng.

TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh, bền vững cho Cần Giờ - 4

TP.HCM sẽ phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Theo ông Hiển, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong về phát triển kinh tế của cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả giai đoạn tăng bình quân 6,41%, đóng góp trên 22,2% GDP của cả nước.

Trong thời gian qua, Đảng luôn có sự quan tâm đặc biệt về phát triển kinh tế biển và đô thị biển. Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước. Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm từ 65 - 70% GDP cả nước.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Kinh tế biển sẽ có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Chủ trương xuyên suốt của Đảng xác định là phát triển nhanh và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm