1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM kiến nghị dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả

Quang Huy

(Dân trí) - Để kéo mặt bằng giá trở lại, Sở Công Thương TPHCM sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng, dầu.

Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 18/11, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, hiện tại, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống ở các siêu thị có giá cả ổn định. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng có mặt bằng giá tăng 10-30% do giá nguyên liệu đầu vào tăng. 

Lý giải thực trạng trên, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố cho rằng nguyên nhân chính là giá xăng, dầu, ga có biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của một số mặt hàng. Bên cạnh đó, chi phí phòng, chống dịch, chi phí vận chuyển cũng là một trong những yếu tố khiến giá cả leo thang.

TPHCM kiến nghị dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả - 1

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Để bình ổn giá cả hàng hóa, Sở Công Thương đã có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Khi lượng hàng gia tăng, giá cả thị trường sẽ được ổn định lại.

Ngoài ra, thành phố cũng triển khai một số kích cầu từ nay đến cuối năm như khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng, dầu để kéo mặt bằng giá trở lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc chia sẻ thêm, hiện tại, thành phố đã có 177/234 chợ truyền thống được hoạt động lại. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 11, từng quận, huyện sẽ có phương án hoạt động lại tất cả chợ theo với điều kiện an toàn trong tình hình mới.

"Với mục tiêu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và đảm bảo cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương sẽ làm việc với các đơn vị, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để các chợ truyền thống còn lại được mở cửa trong thời gian sớm nhất", Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định.

TPHCM kiến nghị dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả - 2

Nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng có mặt bằng giá tăng 10-30% do giá nguyên liệu đầu vào tăng (Ảnh: Nguyễn Quang).

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin thêm, vừa qua, thành phố đã hoàn tất thí điểm bán bia, rượu tại chỗ ở quận 7, thành phố Thủ Đức. Sở Công Thương cùng các đơn vị đã có những đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thí điểm trên.

Đến ngày 16/11, UBND TPHCM đã mở rộng thí điểm phục vụ đồ uống có cồn tại quán ăn trên toàn địa bàn. Theo đó, nơi có cấp độ dịch một và hai được phục vụ tại chỗ đồ uống có cồn, nơi có cấp độ 3 chỉ được phục vụ 50% công suất và không phục vụ tại nơi có cấp độ 4.

"Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quán ăn phục vụ tại chỗ được giao cho UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Sau thí điểm từ ngày 16/11 đến 30/11, Sở Công Thương tiếp tục tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả với UBND TPHCM để có phương án tiếp theo", Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho hay.