1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TP.HCM hoàn tất sáp nhập ngân hàng trước tháng 6 tới

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nêu định hướng, dự kiến trước tháng 6/2015 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

TP.HCM hoàn tất sáp nhập ngân hàng trước tháng 6 tới
Kế hoạch sáp nhập Southern Bank vào Sacombank dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015. Thị trường cũng chú ý thông tin khả năng Vietcombank có thể sáp nhập Saigonbank.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Sáng nay (26/1), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2015 trên địa bàn.

Tại hội nghị, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nêu định hướng, dự kiến trước tháng 6/2015 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Các kế hoạch cụ thể hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, định hướng trên sẽ có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng để đảm bảo các tổ chức tín dụng sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động ổn định trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tiếp theo”, ông Lâm nói.

Theo các thông tin công bố thời gian qua, tại Tp.HCM, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được xác định trong năm 2014. Dự kiến đây là kế hoạch sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015 như thông tin định hướng trên.

Ngoài ra, thời gian gần đây thị trường chú ý thông tin khả năng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thể sáp nhập Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank). Khả năng này cũng khớp với gợi mở trên từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM: “có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại có vốn của nhà nước”.

Cũng tại hội nghị trên, ông Tô Duy Lâm cho biết, so với cuối năm 2013, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tăng khá cao trong năm 2014; từ 4,69% lên khoảng 5,3%.

Nguyên nhân nợ xấu tăng chủ yếu mang tính kỹ thuật. Thứ nhất do thực hiện Thông tư 02 và Thông tư 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, theo đó việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Thứ hai việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng, nợ xấu tăng cao. Phần lớn nợ xấu trên địa bàn tăng trong thời gian gần đây, do phát sinh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng này.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM định hướng mục tiếp sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu nói trên xuống dưới 3%.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng lên, nhưng theo báo cáo tại hội nghị, tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM tiếp tục có chuyển biến: kết quả kinh doanh đạt 6.132 tỷ đồng, cao hơn con số 5.459 tỷ đồng năm 2013 và hơn 666 tỷ đồng năm 2012.
Theo Minh Đức
VnEconomy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm