Tổng thống Donald Trump sẽ chơi “tất tay” với Trung Quốc vì không còn “đường lui”

(Dân Việt) 10 tiếng sau tuyên bố áp thuế trả đũa của Trung Quốc với 75 tỷ USD hàng Mỹ, ông Trump 'phản đòn ngàn cân': tuyên bố tăng mức thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chơi “tất tay” trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi ông Trump hiện không có “đường lùi” nếu như ông muốn tái đắc cử.

Tổng thống Donald Trump sẽ chơi “tất tay” với Trung Quốc vì không còn “đường lui” - 1

Trong một thông báo trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, mức thuế 25% hiện đang áp dụng với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 30% vào đúng ngày 1/10 - kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa .

Kế hoạch áp thuế 10% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc cũng sẽ bị đánh thuế ở mức 15% thay vì 10% và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9.

Trong các tweet trước đó, ông Trump đã tuyên bố đáp trả mức thuế quan của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell là kẻ thù của nước Mỹ, hơn cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và đưa ra lời kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

Mỹ chơi “tất tay” với Trung Quốc

Động thái trên của ông Trump là sự phản hồi đối với việc Trung Quốc cùng ngày tuyên bố áp thuế quan bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thuế quan 5-10% của kế hoạch mà Bắc Kinh đưa ra nhằm vào nhiều mặt hàng có mức độ nhạy cảm chính trị cao đến từ các nhà máy và nông trại của Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, động thái tăng thuế của Tổng thống Mỹ không chỉ thể hiện sự “tức giận” khi Mỹ không đạt được những kết quả mong muốn trong việc đàm phán với Trung Quốc. Điều này càng khẳng định một điều,  chắc chắn ông Donald Trump sẽ chơi “tất tay” trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi ông Trump hiện không có “đường lùi” nếu như ông muốn tái đắc cử.

Mặc dù trước đó không lâu, vị Tổng thống Mỹ đã phát biểu dự kiến hoãn tăng thuế đối hàng với hóa của Trung Quốc song theo PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng thì đó chỉ là động thái “giả vờ”.

Tổng thống Donald Trump sẽ chơi “tất tay” với Trung Quốc vì không còn “đường lui” - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trum. Ảnh: Bloomberg.

Ông Khánh phân tích, cũng giống như việc đi câu, người câu sẽ "dền dứ" xem con mồi như thế nào để phản ứng mà thôi. Bản chất giữa Mỹ - Trung thời gian qua cũng chỉ là sự thử thách lẫn nhau và đương nhiên ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa thì ngay lập tức Trung Quốc bị Mỹ phản đòn.

“Lần sau luôn đánh mạnh hơn lần trước đó là cách ông Trump phản ứng trong suốt thời gian vừa qua và lần này cũng thế. Tuy nhiên, diễn biến lần này quá nhanh và mạnh khiến cho chúng ta bất ngờ”, ông Khánh nói thêm.

Trước đó đã có không ít chuyên gia phải thừa nhận, Tổng thống Donald Trump là người rất khó đoán định và rất khó để dự báo ông ta sẽ làm gì tiếp theo trong cuộc chiến với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp tục.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải chỉ xảy ra trong 1 vài tháng mà chiều hướng của cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài sang năm 2020. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn dùng cuộc chiến tranh này để tạo lợi thế tranh cử - đây cũng là cách mà vị Tổng thống Mỹ đã làm trong cuộc tranh cử trước đây.

Vì vậy, Trung Quốc có muốn hòa giải thì chính quyền Trump cũng sẽ không hòa giải để giữ cuộc chiến tranh này như lợi thế chính trị để ông có thể tái đắc cử vào năm 2020.

Thậm chí, Jack Ma, ông chủ Alibaba cũng từng dự báo cuộc chiến này sẽ kéo dài 100 năm nữa. Tất nhiên, điều này sẽ tạo quan ngại lớn cho toàn cầu, và đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục phải gánh áp lực lớn hơn.

Việt Nam chỉ hưởng lợi “chút ít”?

Nhìn lại những diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong hơn 1 năm qua, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, cuộc chiến chỉ đem lại cho Việt Nam một chút lợi thế ít ỏi, không có tác dụng lâu dài đối với nền kinh tế. Ngược lại, chiến tranh thương mại Mỹ-trung có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, rủi ro khác.

TS. Trần Toàn Thắng phân tích: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tạo lỗ hổng thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng trong ngắn hạn. Có một số nhóm ngành của Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khiến cho Trung Quốc mất thị phần, như nhóm các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất…

Tuy vậy, những lợi ích về thương mại trên sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển thị trường sang Việt Nam khiến công suất xuất khẩu không đáp ứng kịp thời, có thể dẫn đến việc chuyển hướng thương mại từ các doanh nghiệp này. Như vậy, lợi ích cho Việt Nam sẽ không thay đổi so với trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.

Tổng thống Donald Trump sẽ chơi “tất tay” với Trung Quốc vì không còn “đường lui” - 3

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: Internet)

Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TS. Trần Toàn Thắng cho hay, chưa có đủ cơ sở để kết luận FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Mỹ-Trung lên GDP và FDI toàn cầu sẽ không đến ngay trong năm 2019. Phải chờ đến năm 2020 - 2021 hoặc sau đó, để có thể kết luận rằng, xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không.

TS. Trần Toàn Thắng nhận định: “Nếu xu thế đó thực sự xảy ra, để sở hữu dòng vốn FDI, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia, những quốc gia cũng có rất nhiều lợi thế. Ngoài ra, nếu kịch bản Việt Nam trở thành người chiến thắng thì doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mới là đối tượng thực sự được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến này”.

Tổng thống Donald Trump sẽ chơi “tất tay” với Trung Quốc vì không còn “đường lui” - 4

PGS.TS Phạm Quốc Khánh

Đồng quan điểm với TS Thắng, PGS.TS Phạm Quốc Khánh nói thêm, việc Tổng thống Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc tưởng chừng như cơ hội thu hút đầu tư cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. “Thế nhưng, liệu Việt Nam có đón nhận được dòng vốn đầu tư này hay không lại là vấn đề khác”, vị này nhấn mạnh.

Theo ông Khánh, hiện tại có 2 kiểu đầu tư. Kiểu đầu tư thứ nhất là đầu tư công nghệ thấp. Với loại hình này thì Việt Nam không phải cần đến chiến tranh thương mại mới có. Kiểu đầu tư thứ 2, đó là đầu tư công nghệ cao. Với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư Mỹ sẽ có 2 cách làm, một là đầu tư công nghệ mới tại Việt Nam hoặc chuyển công nghệ đang đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam.

Ông Khánh cho rằng, với cả 2 phương án này chi phí phát sinh đối với 1 doanh nghiệp là rất lớn, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư của Mỹ rút khỏi Trung Quốc cũng phải tính toán rất nhiều yếu tố và không phải trong một sớm 1 chiều là có thể làm được. Đó là vấn đề cực khó.

Theo: Huyền Anh 

Dân Việt