Tổng Giám đốc SCB: "Chúng tôi làm ngày làm đêm mà vẫn bị cổ đông trách"

(Dân trí) - Tại phiên họp sáng nay 18/4, cổ đông SCB đã đề cập tới vấn đề nhiều năm qua họ không được hưởng cổ tức. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng, việc chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được mà do Nhà nước quy định.

Sáng nay (18/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Trao đổi tại phiên họp, cổ đông SCB đặt vấn đề: Lợi nhuận ngân hàng năm 2015, 2016 đều nhưng cổ đông lại không được đồng lãi nào. Vậy, quỹ phúc lợi và khen thưởng cao của ngân hàng để làm gì?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho hay: Đây là quỹ phúc lợi và khen thưởng cho nhân viên, được ngân hàng sử dụng để khen thưởng trong dịp lễ, tết.

"Về vấn đề không chia cổ tức, tôi cũng là cổ đông, tôi cũng không có cổ tức, tôi cũng buồn nhưng nhìn bối cảnh kinh tế, cả thị trường khó khăn, các ngân hàng khác cũng vậy, chúng ta cần nhìn đại cục", ông Văn cho hay.

Cũng theo ông Văn, việc chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được mà do Nhà nước quy định. Theo quy định của Nhà nước, trong quá trình tái cấu trúc, ngân hàng cần tăng cường năng lực tài chính, lợi nhuận để lại và không chia cổ tức song quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo.

"Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hiện nay vẫn là hơn 500 tỷ đồng, nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng vốn hay chia thì chúng tôi sẽ thực hiện theo. Tôi xin nhắc lại việc chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được, chúng tôi làm ngày làm đêm mà vẫn bị cổ đông trách", Tổng Giám đốc SCB nhấn mạnh.


Đại hội cổ đông SCB nóng vấn đề chia cổ tức.

Đại hội cổ đông SCB "nóng" vấn đề chia cổ tức.

Báo cáo trước đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, trong 5 năm vừa qua, SCB đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, ngân hàng đã phục hồi được 77% so với những kiến nghị của đoàn thanh tra đưa ra hồi tháng 8/2015. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, SCB nhận được rất nhiều hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến 31/12/2016, giá trị tổng tài sản (hợp nhất) của SCB đạt 361 nghìn tỷ đồng. Tính trung bình giai đoạn 2012-2016, tổng tài sản của SCB tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và đến cuối năm 2016, SCB trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5 trong hệ thống.

Trong giai đoạn sau hợp nhất 3 ngân hàng (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, SCB ), SCB đã nỗ lực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,25% đầu năm 2012 xuống còn 0,68% vào cuối năm 2016.

Về khoản vay Ngân hàng Nhà nước, SCB đã tất toán toàn bộ dư nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản sau khi hợp nhất.

Lãnh đạo SCB cũng cho biết: Năm 2017, ngân hàng tiếp tục chiến lược tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019. Cụ thể, theo kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, SCB phải đạt mức vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng và năm 2019 đạt 18.000 tỷ đồng.

SCB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 171 tỷ đồng trong năm nay. Hiện SCB đang bổ sung hồ sơ và dự kiến trong năm 2017 tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng và hoàn thành mức 16.000 tỷ đồng.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm