Tổng giám đốc ACB: Tội phạm mạng gia tăng, làm gì để tránh mất tiền oan?
(Dân trí) - Trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng ngày càng gia tăng, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát đưa ra lời khuyên cho người dân để tránh bị mất tiền oan.
Tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" ngày 19/9, các cơ quan chức năng, ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm ngăn chặn tội phạm mạng, để người dân có thể cảnh giác, tự bảo vệ mình, tránh mất tiền oan.
"3 không và 2 nên"
Chia sẻ tại hội thảo, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) đưa ra lời khuyên với nội dung "3 không và 2 nên" tới người dân.
Thứ nhất, ông Phát cho rằng người dân nếu gặp đường link lạ gửi đến là không click vào. Thứ 2 là không tải app nếu không phải là nguồn từ kho ứng dụng chính thống như Google Play hay App Store. Thứ 3, những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
Bên cạnh đó, ông Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để người dân phòng tránh lừa đảo. Thứ nhất, người dân nên chủ động đọc, tìm hiểu thông tin từ những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng để nắm bắt các hình thức lừa đảo mới.
Thứ hai, khi tiếp nhận nội dung thông báo tin nhắn, người dân cần chậm lại vài giây để đọc kỹ thông tin thanh toán, không tùy tiện cung cấp mã OTP, vì OTP là chìa khóa cuối của giao dịch thanh toán.
Xóa tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác"
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ một thực trạng là trong suốt thời gian dài vừa qua, có nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn trong việc xác định danh tính, truy tìm tội phạm cho cơ quan chức năng.
Hiện Chính phủ có đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, từ đó kết nối dữ liệu ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để làm sạch dữ liệu ngân hàng đang có. Hiện có 27 tổ chức tín dụng đang phối hợp với C06, để thực hiện việc này.
Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các ngân hàng kết nối vào nhằm xác thực dữ liệu. Theo ông Hải, việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ làm giảm rất nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, và giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận.
Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), đề nghị các ngân hàng cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng "rác", sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho rằng chế tài mua bán tài khoản chưa đủ mạnh, do đó ông kiến nghị cần tăng chế tài mua bán tài khoản ngân hàng để phòng tránh tội phạm lừa đảo.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết ngân hàng cũng đẩy mạnh trong việc chống tài khoản "rác". Từ nhiều năm trước, ACB đã yêu cầu khi một khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng phải hoàn tất EKYC để chống giả mạo (hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ).
Điểm thứ 2, ACB yêu cầu khách hàng sử dụng sinh trắc học bằng vân tay. Các biện pháp này đã giúp loại trừ tình huống các tội phạm mạng sử dụng tài khoản của ngân hàng để đi lừa đảo.
Sẽ xác thực sinh trắc học với giao dịch liên ngân hàng từ 10 triệu đồng
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc xử lý gian lận, lừa đảo trên thực tế là không đơn giản. Để hạn chế vấn đề này trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Làm việc với Bộ Thông tin truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Qua đó cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.