Tổng cục thống kê thừa nhận số liệu thống kê còn nhiều bất cập
(Dân trí) - Sau một loạt các bình luận của giới chuyên gia về mức độ đáng tin cậy của số liệu thống kê Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) thừa nhận thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn không ít bất cập.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Có lỗi của bên cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê
Theo ông Lâm, để có số liệu thống kê cung cấp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và phổ biến cho các nhà nghiên cứu, người dùng thì nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê đã phải xây dựng và triển khai các hình thức thu thập thông tin phù hợp với từng loại đối tượng cung cấp thông tin.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Ngoại trưởng 27 tuổi trẻ nhất châu Âu nhậm chứcJang Song-thaek từng âm mưu giết cha của ông Kim Jong-un |
Ông lấy ví dụ, thông tin về thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình được thu thập qua hình thức điều tra chọn mẫu thống kê; thông tin về đầu tư và kết quả sản xuất của các doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài thu được qua chế độ báo cáo thống kê…
Lãnh đạo Tổng cục khẳng định, ngành Thống kê áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời Nhóm sản xuất và công bố thông tin còn có trách nhiệm phổ biến kiến thức thống kê liên quan tới các chỉ tiêu thống kê được công bố.
Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu cơ quan Thống kê thì nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.
Điều này dẫn đến nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.
Nhiều lần lãnh đạo ngành Thống kê công khai thừa nhận thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn không ít bất cập, cần quan tâm mổ xẻ để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Lâm chia sẻ.
Chẳng hạn, vấn đề được đề cập nhiều nhất trong thời gian vừa qua là độ chính xác của chỉ tiêu GDP, thể hiện qua chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương với cả nước, hay số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.
“Những người làm công tác thống kê không lảng tránh thực tế này, mà đang chủ động xây dựng và thực hiện Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”, chủ động nghiên cứu, thu thập thêm thông tin để có bức tranh đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lao động, việc làm và thất nghiệp ở Việt Nam”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Cần công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến
Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm thống kê, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến “trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê”. Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.
Dẫn lại hồi tháng 9/2012, ông cho biết, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng 2,2% so với tháng 8/2012, cao hơn rất nhiều CPI của các tháng trước đó (tháng 5/2012 tăng 0,18%, tháng 6/2012 giảm 0,26%, tháng 7/2012 giảm 0,29%, tháng 8/2012 tăng 0,63%), một số người dùng tin chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân đã vội phê phán phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê.
Thực tế lúc đó, nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI cả nước tăng đột biến, ông Lâm phân tích.
Ông cho biết thêm, ở góc độ khác, khi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao, đặc biệt khi có mưa bão, giá thực phẩm và rau quả tăng mạnh, các nhóm hàng hóa khác còn lại trong 10 nhóm hàng hóa thu thập thông tin để tính CPI không tăng, hoặc tăng không đáng kể, Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng thấp hơn mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lúc đó người sử dụng thông tin cũng nghi ngờ Tổng cục Thống kê tính thấp, không trung thực.
Trong trường hợp này, theo ông Lâm, một số người sử dụng thông tin đã đồng nhất CPI của 11 nhóm hàng hóa với chỉ số giá của một nhóm hàng (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống).
“Thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê của người sử dụng có tri thức mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông, người sử dụng số liệu cũng cần biết có một số chỉ tiêu thống kê được công bố tại các thời điểm khác nhau là loại số liệu khác nhau.
Chẳng hạn, chỉ tiêu GDP Quý I/2013 được công bố lần đầu vào ngày 26/3/2013 là số liệu thống kê ước tính (số liệu thống kê ước tính là số liệu thống kê dự tính trước toàn bộ kết quả của các hiện tượng hoặc quá trình KTXH còn đang tiếp diễn).
Mỗi loại số liệu (ước tính, sơ bộ và chính thức) có ý nghĩa và giá trị sử dụng khác nhau, Tổng cục Thống kê công bố các loại số liệu này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người sử dụng và theo thông lệ quốc tế, ông Lâm khẳng định.