Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam

Đại Việt

(Dân trí) - Việc tái xuất phế liệu phải thực hiện ngay tại cửa nhập khẩu và không tái xuất qua đường bộ, đường thủy nội địa. Tuy nhiên, các hãng tàu cho rằng, việc tái xuất sẽ khó có khả thi ở một số cảng.

Ngay sau phản ánh của Dân trí về việc hàng loạt các hãng tàu xin tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo việc tái xuất phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam - 1

Phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại nhiều cảng. Ảnh: Đ.V

Theo Tổng cục Hải quan, đơn vị này đã nhận được các văn bản báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và của các hãng tàu về việc xin tái xuất phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển.

Theo đó, một số hãng tàu biển kiến nghị được thực hiện chuyển hàng hóa sang vỏ container khác hoặc tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thông báo cho các hãng tàu về việc chỉ cho phép tái xuất đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng sau khi có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. Việc tái xuất thực hiện ngay tại cửa nhập khẩu và không được thực hiện tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa.

“Các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải thực hiện các thủ tục tái xuất theo từng vận tải đơn khi nhập khẩu, không chia nhỏ lô hàng, không chia nhỏ số lượng container, không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển” - văn bản của Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, khi các hãng tàu đề nghị bằng văn bản hoặc làm việc trực tiếp về xin tái xuất phế liệu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị hãng tàu ký biên bản cam kết tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cũng chia sẻ, để tránh ảnh hưởng, gây ô nhiễm môi trường, các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển phải được lưu giữ nguyên trạng trong container ban đầu, không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác.

Các hãng tàu tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu về nước xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam - 2

Hơn 1.000 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại TPHCM. Ảnh: Đ.V

Về thời hạn tái xuất đối với phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển, Tổng cục Hải quan chỉ đạo như sau:

Đối với hãng tàu có văn bản đề nghị gia hạn tái xuất phế liệu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xem xét, chấp nhận gia hạn thời hạn tái xuất phế liệu thêm 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và thông báo cho các hãng tàu về việc gia hạn chỉ thực hiện 1 lần.

Sau khi hết hạn tái xuất, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các hãng tàu không thực hiện tái xuất phế liệu về Tổng cục Hải quan để tổng hợp và có biện pháp xử lý.

Sau khi văn bản nói trên ban hành, đại diện một hãng tàu cho biết, Tổng cục Hải quan yêu cầu việc tái xuất phế liệu phải thực hiện ngay cửa nhập khẩu và không tái xuất qua đường bộ, đường thủy nội địa là khó có khả thi. Bởi, một số cảng tại TPHCM như ICD hay VICT thì trước đây có nhập hàng về nhưng hiện nay không có tàu xuất đi. Chính vì vậy, muốn tái xuất được hàng hóa thì Tổng cục Hải quan nên cho phép phế liệu được chuyển cảng để việc tái xuất được thuận tiện hơn. 

Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam - 3

Một số cảng cạn tại TPHCM chủ yếu phải vận chuyển bằng đường thủy nội địa hoặc đường bộ. Ảnh: Đ.V

"Hãng tàu nào muốn sang container thì cần phải cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc sang container sẽ được các cảng giám sát. Nếu Tổng cục Hải quan cho phép thực hiện sang container như vậy thì việc đưa phế liệu ra khỏi Việt Nam sẽ nhanh chóng hơn" - đại diện hãng tàu nói. 

Theo đại diện các hãng tàu, container buộc tái xuất không thể cập cảng trở lại được do các cơ quan chức năng quản lý rất chặt. Ngoài ra, các hãng tàu cũng không muốn các container phế liệu quay đầu lại cảng Việt Nam vì hãng tàu cũng không có lợi ích gì từ việc này.

Việc thay đổi vỏ container để đưa phế liệu bị buộc tái xuất quay về Việt Nam cũng không khả thi vì chi phí thông quan và sang vỏ container ở nước ngoài rất cao, mỗi container hàng phế liệu có thể tốn đến 5.000 USD.

“Phế liệu tồn đọng gây thiệt hại rất lớn cho hãng tàu từ việc phải trả chi phí lưu bãi cho đến việc không đưa vỏ container vào khai thác được. Các cảng cũng bị chiếm mặt bằng. Do đó, hãng tàu mong muốn ngành hải quan có quyết định nhanh chóng, khoa học để tái xuất phế liệu không đạt chuẩn theo chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ ngành” - đại diện một hãng tàu chia sẻ.