Tồn kho biến đại gia cà phê thành con nợ

Tồn kho cao là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp ngành cà phê lao dốc, sau khi xuất khẩu cà phê Việt Nam chạm đỉnh vinh quang vào năm 2012 (vượt qua Brazil để trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu thế giới).

Lượng tồn kho cà phê đang tăng khiến nguy cơ giảm giá càng lớn. (Ảnh: Đức Thanh)
 
Lượng tồn kho cà phê đang tăng khiến nguy cơ giảm giá càng lớn. (Ảnh: Đức Thanh)

 

Đại gia thành con nợ

 

Từ ngày 4/7 tới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (mã chứng khoán: THV) phải hủy niêm yết bắt buộc với hơn 57,7 triệu cổ phiếu. Việc Thái Hoà phải rời sàn chứng khoán không gây ngạc nhiên, bởi tính đến hết năm 2012, công ty này đã lỗ lũy kế trên 622 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 577 tỷ đồng.

 

Đến quý I/2013, Thái Hoà tiếp tục lỗ thêm gần 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhắc tới lịch sử của Thái Hoà, không ít người nuối tiếc, bởi trong thời hoàng kim, đây là một doanh nghiệp lớn với tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng.

 

Trước đó, vào tháng 6/2013, dư luận cũng rúng động khi 7 ngân hàng tại tỉnh Bình Dương cùng kéo đến xiết nợ, tranh giành kho hàng chứa 4.000 tấn cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân, một doanh nghiệp từng lọt vào Top 20 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê lớn nhất nước.

 

Chuyện nợ nần và vỡ nợ của hai doanh nghiệp trên là ví dụ điển hình về tình trạng phá sản của các doanh nghiệp cà phê suốt hai năm qua. Thống kê của Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho thấy, trong năm 2012, hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

 

Tồn kho cao là một trong những lý do dẫn tới tình trạng trên. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết, niên vụ cà phê 2012/2013 có sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi từ đầu vụ đến nay, lượng xuất khẩu là hơn 1 triệu tấn. Như vậy, lượng cà phê tồn kho khoảng 200.000 tấn. “Lượng tồn kho này nằm trong dân thì đỡ rủi ro hơn, nhưng nếu nằm trong doanh nghiệp, thì rủi ro rất lớn, khi giá cà phê tiếp tục đi xuống”, ông Nam nói.

 

Cụ thể, đến quý I/2013, Thái Hoà còn tồn kho hơn 679,3 tỷ đồng, trong đó, cà phê thành phẩm và hàng hóa chiếm hơn 500 tỷ đồng. Hay tại Công ty TNHH Trường Ngân, lượng cà phê còn tồn cũng lên tới trên 4.000 tấn, với giá trị 100 tỷ đồng.

 

Đáng lưu ý là, hầu hết số cà phê tồn kho này trước đây được mua vào với giá cao, song nay cà phê rớt giá thảm hại, nên doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Theo một số sàn giao dịch cà phê lớn, lượng tồn kho cũng đang tăng khiến nguy cơ giảm giá càng lớn, dù con số mà các sàn này đưa ra chưa hẳn chính xác.

 

Bị nước ngoài thao túng giá

 

Khi bị ngân hàng xiết nợ, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trường Ngân cho rằng, lý do doanh nghiệp này vỡ nợ là trước đây phải vay lãi suất quá cao, trên 20%/năm. Song thực tế, đây không phải là lý do chính khiến hàng loạt doanh nghiệp cà phê vỡ nợ.

 

Theo một số chuyên gia trong ngành, tình trạng vỡ nợ vừa qua một phần vì các doanh nghiệp đầu tư tràn lan. Công ty INEXIM Đắk Lắk thua lỗ một phần do đầu tư vào cả lĩnh vực bất động sản, nước đóng chai, vật liệu xây dựng. Riêng Thái Hòa sử dụng quá nhiều vốn vay ngắn hạn để đầu tư dàn trải cho 11 dự án, trong đó có nhiều dự án dài hạn. Chỉ tính đến cuối tháng 3/2013, nợ ngắn hạn của Thái Hòa đã tới gần 2.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa, tình trạng bán trừ lùi, bán ảo cũng là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp cà phê vào chỗ chết. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự phá sản, thua lỗ của các doanh nghiệp cà phê là giá cà phê đã lao dốc không phanh từ đầu năm đến nay, do bị giới đầu cơ thế giới thao túng.

 

Trong nước, giá cà phê đã sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay và ngày càng rời xa mức giá kỳ vọng. Hiện giá cà phê nhân đã sụt xuống 39.000 đồng/kg so với mức 45.000 đồng/kg cách đây vài tháng.

 

ông Nguyễn Viết Vinh khẳng định, năm nay, cà phê Việt Nam và Brazil đều giảm sản lượng do hạn hán, nhưng cà phê vẫn rớt giá thảm hại do giới đầu cơ làm giá. Dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, song khách mua chủ yếu là 8 nhà rang xay và một số nhà đầu tư lớn trên thế giới, nên việc bị ép giá là khó tránh khỏi.

 

“Tại các sàn giao dịch cà phê lớn trên thế giới, các nhà đầu cơ đang tung hàng bán khống để ép giá, trong khi thực tế nguồn cung không dồi dào như vậy”, ông Vinh khẳng định.

 

Theo phân tích của một doanh nghiệp trong ngành cà phê, dù năm nay, cà phê mất mùa do hạn hán, song một số quỹ đầu tư lại tung tin, Việt Nam và Brazil được mùa. Các nhà đầu cơ tăng bán khống để tạo nguồn cung ảo. Bên cạnh đó, một số nhà đầu cơ tài chính đang phát tín hiệu rút khỏi các sàn giao dịch cà phê, khiến đà giảm càng thêm sâu.

 

Trước tình trạng cà phê đang bị ép giá, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex khuyến cáo, các doanh nghiệp nên bình tĩnh, không nên vội vàng bán tống, bán tháo, vì có thể khiến giá cà phê rớt mạnh hơn nữa. Đồng thời, để ngăn chặn rủi ro phát sinh trong tương lai, các doanh nghiệp nên hạn chế bán trừ lùi, bán ảo để tránh tạo nguồn cung ảo, khiến giới đầu cơ càng dễ ép giá.

 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để tránh làn sóng phá sản, vỡ nợ lan rộng, các doanh nghiệp cà phê đề nghị được giãn nợ vay tín dụng xuất khẩu. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận.

 

Theo Thùy Liên

Đầu tư