“Tôi ủng hộ chủ trương có gói hỗ trợ đệm”

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nên có một gói hỗ trợ đệm để doanh nghiệp (DN) có thể phục hồi một cách bền vững.

 
“Tôi ủng hộ chủ trương có gói hỗ trợ đệm” - 1
Sau hơn 7 tháng thực hiện gói kích cầu bù lãi suất, sức mua của thị trường trong nước đã tăng cao.
 
Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ về đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề được nhận hỗ trợ, đồng thời phải giải quyết được khó khăn cho ngân hàng.

So với cuối năm trước, dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế dần lộ rõ và “sức khỏe” của DN đã phần nào được cải thiện, song khó khăn vẫn còn nhiều. Dư luận đang đề cập việc cần thêm gói kích cầu thứ hai?

Ngoài gói hỗ trợ hiện nay, Chính phủ đang cân nhắc và giao cho các cơ quan thiết kế gói hỗ trợ bổ sung để áp dụng từ năm 2010 nhằm đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế bền vững hơn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, so với gói hỗ trợ lãi suất thứ nhất, cần cân nhắc chọn lọc hơn về đối tượng, phạm vi, thời hạn, mức độ hỗ trợ. Mức lãi suất hỗ trợ chỉ là 2% và thời hạn từ 3 đến 6 tháng, phạm vi chỉ tập trung cho các DN trực tiếp làm hàng xuất khẩu.

Vậy ý kiến của cá nhân ông về vấn đề này ra sao?

“Tôi ủng hộ chủ trương có gói hỗ trợ đệm” - 2

Ông Lê Đức Thúy.

Tôi ủng hộ chủ trương nên có một gói hỗ trợ đệm để DN có thể phục hồi một cách bền vững. Song cụ thể gói hỗ trợ như thế nào thì tôi vẫn đang suy nghĩ. Theo tôi, có thể hỗ trợ qua lãi suất, nhưng phải giải quyết được khó khăn cho ngân hàng.

Bởi vì, nếu nguồn vốn huy động về khó khăn, thì ngân hàng sẽ không thể cho vay ra; còn huy động vốn với lãi suất xấp xỉ trần lãi suất cho vay ra, thì ngân hàng cũng không hoạt động nổi. Với DN, nếu trần lãi suất cho vay tăng lên, thì coi như không được hỗ trợ lãi suất.

Với lạm phát 6 - 7% hiện nay, theo tôi, không có lý do gì để nâng lãi suất huy động và cho vay lên cao.

Vì vậy, phải kết hợp một cách khôn khéo chính sách tiền tệ, tài khóa; không chỉ đơn thuần hỗ trợ vài phần trăm trong khoản vay của DN, mà phải có quyết sách trong cung ứng tiền, để làm cho nền kinh tế lưu thông một cách suôn sẻ, không có áp lực căng thẳng về thanh khoản, nhất là thị trường liên ngân hàng; hoạt động thị trường mở phải được tạo điều kiện hơn nữa.

Điều này sẽ làm cho ngân hàng có thể huy động vốn ở mức lãi suất hợp lý để cho vay ra, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của DN.

Hiện lãi suất tiền đồng tiếp tục được ngân hàng tăng lên, trong khi trần lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên. Liệu đã đến lúc phải điều chỉnh lãi suất cơ bản, thưa ông?

Về lãi suất cơ bản, theo tôi chưa cần tăng, nhưng phải giải quyết vướng mắc trong quy định cho vay tối đa không quá 150% lãi suất cơ bản. Điều này hiện không áp dụng với cho vay tiêu dùng, mà ngân hàng được thỏa thuận lãi suất, bởi đây là loại hình tín dụng có rủi ro cao.

Tuy nhiên, hiện chúng ta ở thế bí, việc cho vay theo trần lãi suất đang làm méo mó thị trường tín dụng. Có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục hỗ trợ lãi suất thì sẽ tạo ra chính sách hai giá: 6,5%/năm (nếu được hưởng hỗ trợ 4%/năm) và 10,5%/năm. Nhưng nếu xem xét lại, thì lãi suất đang có ba giá, tức là gồm cả cho vay thoả thuận.

Như vậy, nếu bỏ hỗ trợ lãi suất, thì vẫn có chính sách hai giá khi vay vốn. Do đó theo tôi, nên sớm nghiên cứu để xử lý bất hợp lý lãi suất và lãi suất phải vận hành theo tương quan cung - cầu về khả năng đáp ứng vốn, cũng như khả năng sử dụng vốn có hiệu quả.

Có thể, trước mắt, điều khoản cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản chỉ áp dụng đối với các hoạt động cho vay không chính thức khi có tranh chấp về mặt pháp lý, chứ không áp dụng trần lãi suất cho vay như hiện nay. Có như vậy, thị trường phần nào sẽ gỡ được nhiều vướng mắc và khó khăn không đáng có hiện nay.

Các ngân hàng tiếp tục công bố lợi nhuận đạt được ở mức khả quan, trong khi áp lực lên hoạt động của DN vẫn còn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đang làm báo cáo về ổn định tài chính. Theo đó, chúng tôi báo cáo về môi trường kinh doanh, tình hình hoạt động của DN (sản xuất và dịch vụ) và của các ngân hàng (tỷ lệ sinh lời, khả năng an toàn vốn, dự phòng rủi ro, đánh giá những chính sách có tác động gì).

Theo tôi, nếu nói ngân hàng có lãi trong lúc này là đúng, vì nền kinh tế có sự hồi phục. Trong bối cảnh khủng khoảng, chỉ số ROI (tỷ lệ hoàn vốn đầu tư) và ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) của ngân hàng Việt Nam đã đạt mức tương đối khá trong khu vực.

Công bố về báo cáo 300 DN niêm yết, không thuộc ngành ngân hàng cũng cho thấy, chỉ số ROI và ROA đều tăng đáng kể, tương đối cao so với khu vực. Điều này phản ánh, không chỉ ngân hàng mà các DN khác cũng phục hồi tốt.

Theo Vân Linh
Báo Đầu tư