Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chậm lại
Trong dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 26/7, các tập đoàn tài chính Mỹ và quốc tế đều cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Sau các gói kích thích kinh tế và cải tổ cơ cấu, nền kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng với tốc độ tăng trưởng trung bình 5% trong quý I vừa qua, nhưng nay tốc độ tăng trưởng này có thể giảm xuống còn 3,25 - 3,5% trong 3-5 năm tới, thấp hơn cả mức tăng trung bình 4,7% trong năm năm dẫn tới suy thoái kinh tế năm 2008.
Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley và Trường đại học Yale của Mỹ nhấn mạnh tiêu dùng giảm mạnh ở Mỹ, quá trình phục hồi tài chính chậm chạp ở châu Âu, nguồn tín dụng từ các ngân hàng bị giảm mạnh và thất nghiệp cao là các yếu tố làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Những "làn gió ngược" sau khủng hoảng này kiềm chế tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu từ 1 - 1,5%. Nghiên cứu của Tập đoàn tài chính BofA Merrill Lynch (Mỹ) cũng cho biết, nhiều nhà quản lý các quỹ được thăm dò đều dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ còn xấu thêm trong 12 tháng tới.
Lợi nhuận danh nghĩa từ đầu tư vào nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn có thể thấp hơn mức lợi nhuận thấp lịch sử là 6 - 8%. Các nhà đầu tư có thể phải tăng cường những chiến lược đa dạng hóa truyền thống trong đó tách biệt các hạng mục đầu tư chứng khoán và trái phiếu để xử lý rủi ro.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ngân hàng Nhật Bản đều nâng lãi suất ngắn hạn mà các ngân hàng này giữ ở mức gần 0% trước đây cùng với các biện pháp bổ sung khác như mua tài sản để phục hồi nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cảnh báo, các nước không thể trông chờ vào sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, mà phải nỗ lực tăng cường nhu cầu trong nước để bù vào những thiếu hụt thương mại.
Theo TTXVN/Vietnam+