Tốc độ tăng giá tiêu dùng gấp đôi dự báo

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê ngày 24/7 cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 0,94% so với tháng 6 và tăng tới 8,39% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, CPI tháng 7 đã tăng cao gấp đôi so với dự báo của Bộ Thương mại.

Con số này cũng cho thấy, CPI tháng này đã đạt mức cao nhất kể từ sau tết âm lịch tới nay nâng tổng mức tăng kể từ đầu năm tới nay lên tới 6,19%. Như vậy CPI của 7 tháng đã cao hơn 0,19%  so với mục tiêu tăng CPI cả năm được Quốc hội đề ra kể từ đầu năm.

Tính chung trên cả 10 nhóm hàng chính được lựa chọn làm căn cứ tính chỉ số giá thì tháng này, hầu hết các mặt hàng đều tăng hơn năm ngoái, kể cả khu vực thành thị và nông thôn với mức tăng tương ứng là 8,98% và 7,81%.

Những tác động tiêu cực của thời tiết, dịch bệnh tiếp tục gia tăng khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng giá cao nhất trong 10 nhóm hàng hóa được lựa chọn làm căn cứ tính CPI, với mức tăng lên tới 1,59% so với tháng trước.

Đặc biệt, trong khi các mặt hàng lương thực chỉ tăng 0,54% so với tháng trước thì các mặt hàng thực phẩm lại tăng tới 2,29%. Đây cũng là nguyên nhân vì sao mà chỉ số CPI tăng cao ngoài dự đoán trong khi các nhóm mặt hàng còn lại trong rổ hàng hóa đều có mức tăng không vượt quá 0,8%.

Đứng thứ hai về mức độ tăng giá trong tháng qua là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, với mức tăng 0,73% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu xây dựng nhà ở cả ở khối tư nhân và các công trình Nhà nước vẫn tiếp tục tăng cao. Tính từ đầu năm tới nay, vật liệu xây dựng cũng là nhóm hàng có mức tăng đứng thứ hai (9,03%), đứng sau mức tăng giá 9,78% của các mặt hàng thực phẩm.

Trong tháng 7, các mặt hàng dược phẩm, y tế có mức tăng giá đứng thứ 3, với mức tăng 0,69% so với tháng trước. Kế đến là hai nhóm mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình cùng có mức tăng 0,49% so với tháng 6.

Các nhóm mặt hàng còn lại có mức tăng giá tương đối thấp, trong đó các nhóm đồ uống, thuốc lá và nhóm văn hóa, thể thao, giải trí cũng có cùng mức tăng 0,27%. Riêng nhóm giáo dục chỉ tăng 0,08% so với tháng trước do đa số học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn nghỉ hè.

Đặc biệt, dù nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 0,16% so với tháng trước nhưng trong đó, các dịch vụ bưu điện lại tiếp tục gây ấn tượng là nhóm nhỏ duy nhất giảm giá, với mức giảm 0,13% so với tháng 6.

Tính theo địa phương, Hải Phòng và Thái Nguyên là hai tỉnh có mức tăng giá dẫn đầu cả nước, với mức tăng tương ứng là 1,8% và 1,1% so với tháng 6. Hà Nội và TPHCM có mức tăng giá thấp hơn so với mức tăng chung của cả nước, tương ứng là 0,88 và 0,82%. Khánh Hòa là tỉnh có mức tăng giá thấp nhất trong tháng 7, với mức tăng 0,48%.

Mặc dù giá vàng tăng vọt trong khoảng một tuần trở lại đây nhưng tính chung, giá kim loại quý này tháng 7 lại giảm 0,59% so với tháng 6 và tăng 4,9% kể từ đầu năm tới nay . Biến động trái chiều với giá vàng, giá USD tháng 7 lại tăng 0,22%, nâng mức tăng giá USD trong 7 tháng đầu năm là 0,32%.

Như vậy, mức tăng giá tiêu dùng tháng 7 đã khiến mục tiêu kiềm chế CPI cả năm thấp hơn tăng trưởng kinh tế càng khó khăn hơn bao giờ hết. Mặc dù trước đó, vào tháng 6/2007, khi CPI tăng tới 0,85% Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều tác động để kiềm chế mức độ tăng giá.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 được Tổng cục Thống kê công bố “rơi” vào những ngày làm việc của kì họp Quốc hội khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội. Quốc hội khóa XII cũng đang nhấn mạnh tới một số giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm để bình ổn giá ở mức hợp lý, phù hợp với quy luật của thị trường.

An Hạ