Phú Thọ:

Tòa không cho doanh nghiệp “chết” theo luật định

(Dân trí) - Làm ăn liên tục thua lỗ, nợ lương công nhân và nợ ngân hàng, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú xin mở thủ tục phá sản theo luật định nhưng Tòa lại khước từ. Hàng trăm công nhân đang đứng trước nguy cơ không nhận được một cắc tiền nợ lương.

Tòa không cho doanh nghiệp “chết” theo luật định - 1
Thông báo về việc thụ lí vụ án của TAND tỉnh Phú Thọ.
 
Chúng tôi có mặt tại tỉnh Phú Thọ khi dư luận đang xôn xao về chuyện Công ty CP xi măng Vĩnh Phú xin được phá sản để trả nợ lương cho toàn bộ công nhân công ty và Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ nhưng lại bị Tòa từ chối.

Quyết định từ chối của Tòa đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các công nhân vì toàn bộ số tiền hơn 5 tỉ đồng nợ ngân hàng có thể phải chuyển đủ cho Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ trong khi định giá sơ bộ tài sản của doanh nghiệp hiện không còn nhiều.

Theo tìm hiểu, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú làm ăn thua lỗ nghiêm trọng trong nhiều năm là sự thật. HĐQT của công ty đã nhiều lần họp bàn việc xin mở thủ tục phá sản doanh nghiệp và tính phương án trả nợ ngân hàng, trả nợ lương công nhân.

Tại Nghị quyết họp HĐQT Công ty CP xi măng Vĩnh Phú ngày 8/7/2009 do ông Phan Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT ký có nêu việc thanh toán các khoản nợ sau khi bán đấu giá tài sản công ty sẽ: “Trả nợ gốc món vay trung hạn, ngắn hạn và một phần lãi trong hạn, xin miễn lãi phạt (trả nợ ngân hàng); trả nợ ngân sách Nhà nước, bảo hiểm xã hội, thuế đọng, lương CBCNV…”.

Ngày 29/6/2009, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú có công văn số 41/XMVP gửi Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ đề nghị mở thủ tục phá sản nhưng điều khó hiểu là sau 15 ngày (ngày 14/7), TAND tỉnh mới nhận được công văn này.

Cũng tại thời điểm này, Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ có đơn khởi kiện đề ngày 10/7 nhờ Tòa “can thiệp” đòi nợ Công ty CP xi măng Vĩnh Phú thì 3 ngày sau (ngày 13/7), TAND tỉnh Phú Thọ đã nhận được.

Với lý do trên, ngày 15/7/2009, ông Nguyễn Đình Huấn, Chánh tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ có công văn số 59/TA- KT gửi Công ty CP xi măng Vĩnh Phú với nội dung “do ngày 13/7 đã nhận được đơn khởi kiện của ngân hàng trước nên sẽ tiến hành thụ lý trước”. Điều đáng nói là sau khi nhận được công văn của công ty tới 14 ngày (ngày 27/7), Tòa mới ra thông báo việc thụ lý vụ án đòi nợ giữa ngân hàng và công ty.

Đến ngày 17/8/2009, TAND tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định: Giao cho Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ phát mại tài sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú đã thế chấp để thu hồi nợ với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Như vậy, khi TAND tỉnh Phú Thọ ra quyết định cho ngân hàng phát mại tài sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú thì có nghĩa quyền lợi của công nhân và công nợ của các đối tác khác bị gác sang một bên.

Việc đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng khiến công nhân Công ty CP xi măng Vĩnh Phú không biết đến bao giờ mới có thể lấy được nợ lương cùng những khoản tiền khác. Đứng trước nguy cơ thất nghiệp họ đã rất khốn khó lại thêm lo lắng không được nhận lương nợ nên đại diện người lao động đã liên tục gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng, đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ xem xét lại quyết định.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Tân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nếu công văn gửi theo đường bưu điện thì Tòa phải căn cứ vào dấu bưu điện để xử lý chứ không thể căn cứ vào ngày nhận được. Kể cả trong trường hợp ngân hàng gửi đơn trước thì theo luật định, TAND tỉnh Phú Thọ vẫn phải ra quyết định thụ lý việc mở thủ tục phá sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú.

Theo Luật sư Tân, việc tòa án giải quyết phá sản là nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ và các bên liên quan, trong đó có người lao động. Chi nhánh ngân hàng Công thương Phú Thọ thực chất cũng chỉ là một trong những chủ nợ. Trong trường hợp này, các công nhân hoặc doanh nghiệp có thể gửi văn bản đề nghị Viện KSND tỉnh hoặc Viện KSNDTC “xét lại” quyết định của tòa.

Hồng Ngân