1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TKV đã rót hơn 14.000 tỷ đồng vào dự án Alumin Nhân Cơ

(Dân trí) - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã vay dài hạn 300 triệu USD vốn nước ngoài do ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking đứng ra làm đầu mối để tài trợ vốn cho dự án này. Số dư nợ tại ngày 30/6 là 250 triệu USD.

Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ mới đây cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa.
Sự cố vỡ đường ống dẫn xút Nhà máy Alumin Nhân Cơ mới đây cảnh báo thảm hoạ môi trường ngang tầm Formosa.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV - Vinacomin) vừa công bố cho thấy, tại ngày 30/9, TKV đã rót tổng cộng 14.310 tỷ đồng vào dự án alumin Nhân Cơ. Đây là dự án lớn nhất của tập đoàn cho đến thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, tập đoàn chi khoảng 775 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Giao dịch Than - Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn cũng đầu tư một số dự án sản xuất, khai thác than ở Hạ Long, Mạo Khê, Khe Chàm,…

TKV đã vay dài hạn 300 triệu USD vốn nước ngoài do ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking đứng ra làm đầu mối để tài trợ vốn cho dự án này. Số dư nợ tại ngày 30/6 là 250 triệu USD. Với dự án tổ hợp bauxite Lâm Đồng, để tài trợ vốn, TKV cũng vay từ nước ngoài do ngân hàng Citibank Nhật Bản đứng ra làm đầu mối 300 triệu USD, số dư nợ đến thời điểm ngày 30/6 là 285 triệu USD.

Liên quan tới dự án Alumin Nhân Cơ, trong báo cáo định hướng sản xuất công nghiệp 3 tháng cuối năm 2016 vừa qua, Bộ Công Thương yêu cầu TKV sớm hoàn thành đầu tư, đưa dự án nhà máy alumin Nhân Cơ đi vào vận hành và có hiệu quả. Đồng thời, phải xây dựng và đề xuất lên Chính phủ phương án cổ phần hóa dự án alumin Nhân Cơ cũng như nghiên cứu việc đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy, nâng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm, và tận dụng cơ sở hạ tầng, thiết bị đã đầu tư giảm giá thành sản xuất.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu TKV chuẩn bị điều kiện đưa nhà máy alumin Nhân Cơ vận hành có tải, có sản phẩm đúng tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và thanh quyết toán, bàn giao công trình giữa nhà thầu và chủ đầu tư theo đúng cam kết...

Dự án alumin Nhân Cơ được chấp thuận xây dựng tại Quyết định số 167/2007 của Thủ tướng với công suất 600.000 tấn một năm. Việc khai thác được giao cho TKV làm chủ đầu tư, với nhà thầu xây dựng là Chalieco (Trung Quốc). Dự án gồm hai nhà máy được xây dựng trên diện tích 850 ha. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ - TKV (DNA). Dự án được khởi công năm 2010, với mục tiêu khai thác chế biến quặng bauxite.

Mới đây, vào ngày 23/7/2016, trong quá trình nhập kiềm lưu kho chứa chuẩn bị phục vụ việc chạy thử toàn nhà máy thì xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm. Theo TKV, đây là sự cố xảy ra trong giai đoạn nhà thầu Trung Quốc là Chalieco đang tiến hành các bước để chạy thử liên động toàn nhà máy. Sự cố khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao.

Sau sự cố, TKV đã chỉ đạo DNA phối hợp thực hiện cùng nhà thầu chính Chalieco, các nhà thầu phụ và các đơn vị liên quan (tư vấn, giám sát...) quán triệt đảm bảo an toàn lao động và an toàn môi trường. Đồng thời kiểm tra, rà soát tổng thể đối với thiết kế liên quan đến hóa chất nhằm đưa ra các giải pháp, điều chỉnh, bổ sung thiết kế, thực hiện thi công đảm bảo an toàn.

Trao đổi về sự cố này với báo chí, nhiều chuyên gia quan ngại nếu nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên.

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam), bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit có độ kiềm rất cao lên đến 12 pH (nước ở mức trung tính độ pH= 7). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ.

"Ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn 100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng boxit. Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm