Tính đồng giá điện 1.700/kwh là lạc hậu!
PGS. TS. Bùi Xuân Hồi – Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét và tỏ ra băn khoăn: "Tôi không hiểu vì sao EVN lại nghiên cứu phương án này vì nó cũ kỹ, lạc hậu và chính EVN đã từ bỏ biểu giá trên?".
Tính đồng giá thực chất là hệ thống giá bán theo “chi phí trung bình”, áp dụng một biểu giá duy nhất cho các hộ tiêu thụ bất kể tính chất sử dụng, vị trí địa lý, thời điểm và thời gian tiêu thụ.
Vì vậy, có thể thấy ngay những hạn chế không phải bàn cãi của phương án đồng giá: Đánh đồng giữa việc cung cấp điện vào giờ cao và thấp điểm, không phân biệt tính chất cũng như mục tiêu sử dụng điện giữa các hộ tiêu thụ; không góp phần san phẳng đồ thị phụ tải.
Theo phương án 2, EVN tính giá điện đồng giá là 1.700/kwh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành. Trong đề án EVN không nói đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo đối với đề xuất đồng giá.
Tuy nhiên, ngay cả khi duy trì các hỗ trợ như hiện nay thì các hộ nghèo và cận nghèo vẫn phải chi phí tiêu dùng điện cao hơn do mức giá bình quân mà họ phải trả cao hơn so với trước đây nếu họ tiêu dùng dưới 100kWh/tháng (trước đây 50 kWh đầu đơn giá 1.484 đồng, 50 kWh tiếp theo đơn giá là 1533 đồng, nếu đồng giá thì ngay từ kWh đầu tiên đã phải trả 1.747 đồng).
"Tôi cho rằng EVN không nên đưa phương án này vào đề án, với những hạn chế như trên giá điện đồng giá không ổn cho chính EVN và cho người sử dụng", PGS. TS. Bùi Xuân Hồi nhận định.
Mặt khác, vẫn theo phân tích của PGS. TS. Bùi Xuân Hồi thì so với phương án giá điện bậc thang hiện hành, nếu áp dụng phương án đồng giá, những hộ sử dụng điện nhiều sẽ có lợi hơn vì bắt đầu từ kWh 101 trở đi đơn giá theo phương án đồng giá là thấp hơn thậm chí thấp hơn nhiều so với đơn giá bậc thang lũy kế. Như vậy, có thể thấy giá điện đồng giá đương nhiên không hướng người tiêu dùng tới mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, không san bằng đồ thị phụ tải vì không còn hiệu ứng giá. Điều này đi ngược với chương trình lớn của EVN là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng. "Biểu giá đồng giá. Nó đã quá lỗi thời và lạc hậu", PGS. TS. Bùi Xuân Hồi một lần nữa nhấn mạnh.
PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cũng chia sẻ, dưới góc độ người làm công tác nghiên cứu, đồng thời cũng là một hộ tiêu dùng điện, ông ủng hộ phương án tính giá điện bậc thang. "Thông qua hiệu ứng giá, biểu giá bậc thang hướng người tiêu dùng tới việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng. Điều này là phù hợp, nhiều nước đã áp dụng biểu giá bậc thang cho hộ tiêu dùng sinh hoạt chứ không riêng ở Việt Nam", ông Hồi nói.
Tuy nhiên, ông Hồi cũng lưu ý EVN rằng, việc duy trì 6 hay điều chỉnh thành 3 bậc thang, những phương án tính toán của EVN cần thuyết phục hơn, có căn cứ hơn. "Tiếp cận định giá cần đa chiều nhưng cốt lõi vẫn phải là chi phí cung ứng, điều này tôi chưa nhìn thấy trong đề án. Có thể EVN đã có những tính toán của họ nhưng không nêu ra trong đề án".
Theo Khải Vinh
Một Thế giới