Sửa biểu giá điện: Chưa nghiêng về phương án nào

(Dân trí) - 3 phương án đưa ra bao gồm: giữ nguyên biểu giá 6 bậc thang như hiện tại, áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản giá khác nhau vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chưa nghiêng hẳn về phương án nào.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Sáng nay (22/9), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” nhằm lấy ý kiến về 3 phương án sắp xếp lại biểu giá điện tại đề án được công bố cách đây vài ngày.

Tại hội thảo, 3 phương án đưa ra bao gồm: giữ nguyên biểu giá 6 bậc thang như hiện tại, áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản giá khác nhau đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cơ bản các ý kiến đưa ra vẫn chưa nghiêng hẳn về phương án nào.

Chưa nghiêng về phương án nào

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng biểu giá điện của các nước, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, đa phần các nước Chính phủ quyết định giá hoặc kiểm soát chặt chẽ đều có giá điện 6 bậc thang, thậm chí 7-8 bậc thang với mức giá cao nhất lên tới 5.000-6.000 đồng/kWh. Phương án đồng giá chỉ được áp dụng tại các nước có thị trường bán lẻ cạnh tranh đến người tiêu dùng cuối cùng như Singapore, Philippines…

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phương án được lựa chọn cần khuyến khích tiết kiệm điện, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra, quản lý và không gây tác động tăng giá đến nhiều đối tượng nhất.

“EVN vẫn chưa nghiêng về phương án nào bởi phương án nào cũng có ưu nhược điểm. Tính đồng giá sẽ tạo áp lực tiết kiệm điện nhưng không cào bằng phương án bậc thang bởi ai bỏ tiền ra dùng điện cũng phải tính toán. Phương án 3 khắc phục hạn chế phương án 1, 2 nhưng cần phải làm rõ dựa vào căn cứ nào để rút gọn lại thành 3 bậc thang?”

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận: “Không hiểu vì sao tính ra con số trong biểu giá điện và các con số đó giải quyết vấn đề gì? Theo tôi giá điện cần phân rõ ra chi phí và chính sách. Trong đó, giá điện phải phản ánh cơ cấu chi phí trong chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu dùng trong khi chính sách trợ cấp cho người nghèo là việc của nhà nước, không phải việc của EVN”.

Trái lại, PGS.TS Ngô Trí Long thì cho rằng, về nguyên tắc điện là nguồn năng lượng không tái tạo được, cung không đáp ứng đủ cầu nên buộc phải tiết kiệm. Việt Nam cũng phân hoá mạnh người giàu và nghèo nên cần phân khúc thị trường và phân hoá giá bán cho các đối tượng khác nhau.

“Tôi cho rằng nên tính theo bậc thang luỹ tiến, 15 bậc thì cũng đơn giản với các phần mềm máy tính. Vấn đề là cần rút bớt hệ số ở mỗi bậc thang đi. Ví dụ ở biểu giá 6 bậc thang hiện tại, 2 bậc đầu chỉ giảm 5,1% so với giá bình quân, bậc 2 giảm 2,3% nhưng từ bậc 2 trở lên tăng tới gần 50% thì là bất hợp lý. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân đang tăng lên nên các bậc tính cần giãn ra, ví dụ từ 0-100 kWh; 101 - 250 kWh…”, ông Long nói.

Mỗi lần điều chỉnh đều không tạo sự đồng thuận

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, ngành điện có nhiều vấn đề, ngay cả trong xu thế các nước giá điện sinh hoạt rẻ hơn công nghiệp thì Việt Nam ngược lại, điện sinh hoạt lại đắt hơn.

“Mỗi lần điều chỉnh giá điện thường không tạo sự đồng thuận. Nguyên nhân là do người dùng không muốn tăng giá và bản thân ngành điện chưa thật sự công khai, minh bạch. Điện độc quyền cũng tác động mạnh tới sản xuất, sinh hoạt. Do đó, cần có sự kiểm soát giá để biết hiện so với giá thế giới dựa trên các yếu tố so sánh về cơ cấu cấu thành hoặc điều kiện thu nhập quốc dân, người lao động thì giá điện của Việt Nam đang như thế nào?”, ông Long nói.

Vị chuyên gia dẫn ví dụ, từ ngày 16/3 bắt đầu thực hiện giá điện mới với mức tăng 7,5% so với trước đó đã gây nhiều dư luận trái chiều trong xã hội. “Vậy gốc gác của vấn đề là gì? Theo tôi, cần hài hoà lợi ích nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho đến bản thân doanh nghiệp có lãi hợp lý khi tính đủ”.

Trao đổi về ý kiến ngày, đại diện EVN - Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri nói: “Nếu đứng dưới góc độ người sản xuất EVN chỉ cần bán điện đủ chi phí nhưng EVN không phải sản xuất bình thường mà còn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế. Nếu như không sản xuất được phải mua, nếu trong nước không đủ phải đàm phán nhập khẩu. Thậm chí, phía bên BOT triển khai chậm EVN bị giao làm gấp. Vai trò EVN Chính phủ giao phải làm, không phải muốn nhận hay không nhận”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội. Nhà nước thành lập EVN có quy chế, điều lệ quy định chức năng, nhiệm vụ của EVN do đó bức xúc điều chỉnh cơ chế thay đổi không thể nói mình EVN.

Phương Dung

Sửa biểu giá điện: Chưa nghiêng về phương án nào - 2