Tin mới bất ngờ về tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Trả lương thầy Park, mở trường đại học
(Dân trí) - Với diễn biến tiêu cực của hầu hết mã vốn hoá lớn trên thị trường chứng khoán ngày hôm qua, VN-Index đã bị điều chỉnh khá mạnh. Đáng nói, VIC là mã gây sức ép mạnh nhất lên chỉ số dù các thông tin tích cực liên quan đến tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tiếp được đưa ra.
Áp lực bán tăng mạnh trong phiên chiều qua đã gây sức ép đáng kể lên diễn biến thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm mạnh (sale off) ngay trong ngày hội mua sắm lớn nhất châu Á (ngày độc thân 11/11).
VN-Index giảm 5,74 điểm tương ứng 0,56% xuống còn 1016,75 điểm. Đây cũng là mức điều chỉnh đáng kể nhất của VN-Index sau hơn 1 tuần bám trụ. HNX-Index tương tự cũng đánh mất 0,51 điểm tương ứng 0,48% còn 106,76 điểm; UPCoM-Index sụt nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,02% còn 56,72 điểm.
Dấu hiệu tích cực là thanh khoản thị trường vẫn đạt cao. Khối lượng giao dịch tại HSX đạt 210,43 triệu cổ phiếu tương ứng 4.621,35 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền để mua cổ phiếu giảm giá. HNX cũng có 20,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 225,25 tỷ đồng; UPCoM có 5,99 triệu cổ phiếu tương ứng 108,78 tỷ đồng.
Số cổ phiếu không có giao dịch trên toàn thị trường giảm xuống còn 857 mã. Đồng thời, thống kê cũng cho thấy sự lấn lướt của bên giảm giá với bên tăng: Có 357 mã giảm, 27 mã giảm sàn so với 259 mã tăng và 41 mã tăng trần.
Phiên này, SAB giảm mạnh 4.900 đồng, MSN mất 2.300 đồng, VIC giảm 1.600 đồng, CTD giảm 1.500 đồng, GAS giảm 1.400 đồng, VCS giảm 1.300 đồng, PNJ giảm 1.000 đồng… Theo đó, sự điều chỉnh của VN-Index cũng là dễ hiểu.
Chỉ riêng tác động của “ông lớn” VIC lên VN-Index đã là 1,57 điểm. SAB cũng tác động tiêu cực khiến VN-Index bị lấy mất 0,92 điểm; MSN, GAS cùng lấy đi của chỉ số gần 0,8 điểm… Về phía tăng, có sự xuất hiện của VHM, HPG, FPT, thế nhưng diễn biến tăng và mức độ ảnh hưởng của những mã này lên thị trường trong ngày hôm qua là không đáng kể.
VIC của Vingroup hôm qua giảm giá do chịu áp lực chốt lời chung của thị trường bất chấp những thông tin tích cực về mặt truyền thông hình ảnh.
Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đã làm nức lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi trả lương cho ông Park Hang Seo, huấn luyện viên được đánh giá là đã thay đổi lịch sử bóng đá Việt Nam.
Trong khi VFF không chính thức tiết lộ về mức lương này song tờ nhật báo thể thao hàng đầu tại Thái Lan Siam Sport lại công bố mức lương mà HLV Park Hang Seo rơi vào khoảng 1,2 triệu USD/Năm (gần 28 tỷ đồng), tổng giá trị hợp đồng khoảng trên 83 tỷ đồng.
Nếu đúng như những con số được đưa ra thì theo biểu thuế luỹ tiến, mức thuế thu nhập cá nhân mà thầy Park nộp cho ngân sách vào khoảng 780 triệu đồng/tháng.
Không chỉ tham gia vào lĩnh vực bóng đá, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn mở rộng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với việc ra mắt dự án Đại học VinUni. Chi phí đào tạo trung bình hàng năm cho sinh viên theo học ở đây khoảng 35.000 USD và hệ sau đại học là 40.000 USD.
Trở lại với thị trường chứng khoán, về thanh khoản, ROS vẫn là mã được mua đi bán lại nhiều nhất, khối lượng giao dịch lên tới 28,5 triệu đơn vị. Hoạt động chuyển nhượng tại MBB cũng sôi động với khối lượng đạt 13,6 triệu cổ phiếu giao dịch. Kế đến là FLC, HPG, SCR, AAA…
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ tiếp tục gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.005-1.015 điểm. Tại đây, nhóm phân tích kỳ vọng chỉ số sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên cuối tuần.
Về xu hướng tổng thể của thị trường, BVSC vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.036 -1.042 điểm trong ngắn hạn. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới.
Điểm tích cực là khối ngoại vẫn đang duy trì hoạt động mua ròng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 vẫn sẽ tạo sức ảnh hưởng chi phối đến xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
BVSC cho rằng, các cổ phiếu thuộc các nhóm này sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Do đó, đây vẫn được xem là các cơ hội đầu tư chủ đạo trong giai đoạn này.
Chiến lược đầu tư được đưa ra đó là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 60-65% cổ phiếu. Có thể xem xét bán trading trong các phiên tăng điểm của thị trường. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường tại vùng 1.005-1.015 điểm được xem là cơ hội để nhà đầu tư thực hiện mở vị thế mua mới hoặc mua lại các vị thế đã bán trước đó.
Mai Chi